Hậu sự cố Formosa: Công khai, minh bạch trong xử lý

ANTĐ - Thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần rà soát chặt chẽ các dự án đầu tư có ảnh hưởng lớn đến môi trường.

ĐB Trần Công Thuật (Quảng Bình) phát biểu, tình trạng ô nhiễm môi trường thời gian qua xảy ra ở nhiều nơi, điển hình là sự cố môi trường biển do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, an ninh trật tự, sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của người dân và khiến nền kinh tế tỉnh Quảng Bình điêu đứng.

Do đó, nhân dân và cử tri Quảng Bình kiến nghị các ban - ngành liên quan sớm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chính sách hỗ trợ đối với người dân trong vùng trực tiếp bị thiệt hại và khu vực lân cận. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng giải quyết những khó khăn của người dân về việc làm, thu nhập, công khai minh bạch về cái gì dân được đền bù, cái gì được hỗ trợ của Nhà nước, cái gì được Nhà nước đầu tư.

Nhân dân cũng mong muốn cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ và trả lời khi nào có thể đánh cá vùng gần bờ, khi nào bà con có thể yên tâm ăn hải sản, khi nào môi trường biển an toàn? “Đúng là chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép nhưng liệu có cần Formosa tới 70 năm”, ĐB Trần Công Thuật đặt câu hỏi.

Cũng liên quan tới sự cố Formosa, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) bày tỏ quan điểm, báo cáo của Chính phủ đã nêu số người bị ảnh hưởng trực tiếp lên tới cả trăm nghìn người. Tổng thiệt hại cả trực tiếp và gián tiếp, vô hình và hữu hình đặc biệt là hệ sinh thái, các rạn san hô là vô cùng lớn, việc xử lý khắc phục phải mất nhiều chục năm.

Hiện nay, ngư dân không thể ra khơi, hoạt động của các khách sạn, nhà hàng ven biển, công ty lữ hành cũng hoàn toàn bị ngưng trệ, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Qua đại biểu, cử tri đề nghị Chính phủ, các bộ - ngành Trung ương mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên các lĩnh vực để bồi thường thỏa đáng, công bằng; đồng thời giám sát chặt chẽ các hoạt động của Công ty Formosa, đảm bảo hoạt động sản xuất của Công ty này không gây hậu quả về môi trường tương tự trong tương lai, đồng thời có biện pháp khôi phục hệ sinh thái ven biển.

“Tôi đề nghị Quốc hội không chỉ tìm ra câu trả lời rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm của Formosa mà phải nhanh chóng rà soát văn bản pháp luật để ngăn chặn từ đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe dọa đến đời sống của nhân dân, có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân kể cả đối với người không còn đương chức”, ĐB Hà Sỹ Đồng kiến nghị.

Nhằm hạn chế những sự cố về môi trường trong tương lai, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) kiến nghị Chính phủ cần tiến hành tổng kiểm tra các dự án đã, đang và sẽ đầu tư, đặc biệt là những dự án nằm ở khu vực ven biển để có biện pháp dừng đầu tư hoặc chấm dứt hoạt động. “Chúng ta không đánh đổi tương lai để lấy hiện tại, không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường”, ĐB Tô Văn Tám trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Chính sách tốt “chết yểu” vì bộ máy thực thi kém 

Thảo luận về một số vấn đề liên quan đến cơ cấu bộ máy Nhà nước, năng lực của đội ngũ cán bộ, ĐB Hà Sỹ Đồng nhận định, do năng lực triển khai công việc của bộ máy các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nên nhiều chủ trương, chính sách tốt đã bị trì hoãn, “chết yểu” khi đi vào cuộc sống bởi bộ máy thực thi kém hiệu lực, hiệu quả.

Do đó, trong bối cảnh hiện nay, giải pháp căn cơ là tái cơ cấu lại bộ máy quản lý Nhà nước các cấp, xóa bỏ chế độ cơ quan chủ quản. “Mong rằng trong nhiệm kỳ mới của Chính phủ, khoảng cách từ lời nói đến việc làm sẽ được rút ngắn với tốc độ nhanh nhất”, ĐB Hà Sỹ Đồng bày tỏ.