Giải pháp nào cho việc xử lý công trình 8B Lê Trực?

ANTĐ - Một sự kiện đang làm đau đầu các nhà quản lý và tốn nhiều giấy mực của báo chí trong thời gian qua là việc xử lý công trình cao tầng sai phạm ở 8B Lê Trực (Quận Ba Đình, Hà Nội). Theo lãnh đạo Thành phố Hà Nội, đây là trường hợp điển hình, cần xử lý nghiêm để răn đe các chủ đầu tư khác... Vấn đề đặt ra bây giờ là cần có giải pháp xử lý như thế nào để đảm bảo an toàn và có tính răn đe, khi công trình cao hơn 19 tầng này đã bước vào giai đoạn hoàn thiện.

Công trình cao tầng 8B Lê Trực do Cty CP May Lê Trực làm chủ đầu tư. Kết quả kiểm tra của liên ngành thành phố đã chỉ ra rõ nhiều sai phạm. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình phải giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư đã không xây dựng giật cấp nhằm làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Ngoài ra, theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng và xây thêm tầng 19. Tổng chiều cao hiện tại khoảng 69m (vượt 16m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000m2, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.

Tòa nhà số 8B phố Lê Trực, Hà Nội

Sai phạm nghiêm trọng thì đã rõ. Thái độ và hướng xử lý của TP Hà Nội hiện nay là kiên quyết "sai chỗ nào cắt chỗ đó", yêu cầu chủ đầu tư phải dỡ bỏ những phần sai phạm, dỡ tum, cắt ngọn toà nhà, đồng thời phải nghiên cứu biện pháp giật cấp những vị trí cần thiết theo đúng giấy phép. Phía chủ đầu tư bước đầu đã chấp hành và đưa ra các giải pháp khắc phục.

Theo ước tính ban đầu việc cắt ngọn toà 8B Lê Trực sẽ tốn khoảng chục tỷ đồng và phải mất từ 5 - 6 tháng, tuy nhiên theo một số chuyên gia về kết cấu xây dựng, cái giá phải trả cho sai phạm của chủ đầu tư còn "đắt" hơn thế nhiều. Trả lời báo giới, TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng) mới đây cho rằng, việc hạ độ cao 16m xây vượt, đồng thời phải cắt đi các khoảng lùi ở các mặt của tòa nhà chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và kết cấu của công trình. Cũng theo TS. Trần Chủng, ở các nước trên thế giới, việc xử lý ai phạm nếu có chỉ là kéo sập, phá hủy toàn bộ tòa nhà bằng thuốc nổ, mìn công nghệ cao. Chỉ riêng Việt Nam mới có chuyện thường xuyên xảy ra việc để chủ công trình xây sai xong, lại phải sửa sai, cắt ngọn.

Ông Trương Văn Hải, TGĐ Công ty CP đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam thuộc Tập đoàn Phương Bắc (chuyên về phá dỡ công trình), việc hoàn thành cắt ngọn, phá dỡ phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực không đơn giản và sẽ cần khoảng từ 5 - 6 tháng, bởi khối lượng vi phạm của toà nhà quá lớn. Thêm vào đó, khoảng trước mặt của tòa nhà cũng phải cắt dọc đúng theo giật cấp như ghi trong giấy phép xây dựng...

"Đau khổ" nhất trong lúc này là chủ đầu tư, bởi họ đã quá muộn khi nhận ra cái giá phải trả quá lớn cho sự coi thường phép nước, cố tình làm sai quy hoạch. Giờ đây, ngoài công sức và tiền của phải đổ vào cho việc tháo dỡ, theo yêu cầu của Sở XD Hà Nội, chủ đầu tư còn phải cam kết tự chịu trách nhiệm toàn diện về việc để xảy ra mất an toàn trong quá trình tháo dỡ và phải kịp thời khắc phục hậu quả (nếu có). Do đó, chủ đầu tư phải thuê đơn vị tư vấn giám sát có đủ điều kiện, năng lực thực hiện giám sát trong suốt quá trình thi công, phá dỡ để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật; có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị liên quan trong quá trình phá dỡ và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các nội dung về những nguy cơ tiềm ẩn và một số kiến nghị tại Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế đã lập...

Câu chuyện về những tòa nhà cao tầng vượt quá quy định cho phép so với phê duyệt (về độ cao, số tầng, tăng diện tích...) từ lâu đã không xa lạ với người dân Thủ đô. Thực trạng này có thể nói xảy ra ở khá nhiều quận, huyện của Hà Nội, mà chỉ đến khi "có chuyện" thì người ta mới lo khắc phục, chữa cháy. Vấn đề cốt lõi ở đây là lòng tham của con người cùng thái độ coi thường kỷ cương trong sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền và ban ngành chức năng Hà Nội. Nếu như mọi việc quản lý xây dựng được làm chặt, kiểm tra thường xuyên, có trách nhiệm thì không ai dám sai phạm và không có "cửa" để làm sai! Chính vì vậy cái gốc của vấn đề là phải xử lý nghiêm (kể cả việc nếu cần có thể truy tố) các cán bộ, nhân viên Nhà nước đã dung túng, làm ngơ, đôi khi còn "bật đèn xanh" cho những sai phạm của chủ đầu tư.

Hà Nội cần kiên quyết thực hiện đúng như chỉ đạo của đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Chỉ đạo Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị là "Phải kiểm điểm, xử lý nghiêm túc những cán bộ đã thanh tra, kiểm tra lập biên bản mà không xử lý kịp thời, thậm chí không báo cáo với lãnh đạo..." Chỉ có biện pháp thật nghiêm khắc "sửa" ngay từ mỗi con người mới có thể ngăn chặn được tình trạng xây dựng trái phép, sai phép, tránh để "sự đã rồi", sau đó lại phải khắc phục, "cắt ngọn", phá dỡ, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp, xã hội và ảnh hưởng tới sự an toàn của công trình.

Dự án 8B Lê Trực (còn được gọi là Discovery Complex II) là tổ hợp Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, chung cư cao cấp và biệt thự liền kề. Theo công bố, toà nhà có 17 tầng cao và 4 tầng hầm, diện tích sàn của mỗi tầng là 1.900m2. Trong đó, 5 tầng dành cho trung tâm thương mại. Các căn hộ được bố trí từ tầng 6 với với các góc nhìn ra Quảng trường Ba Đình, Hoàng Thành Thăng Long...