Đề xuất thu hồi dự án nợ thuế đất kéo dài

ANTĐ - Đó là một trong những giải pháp mạnh được ông Thái Dũng Tiến, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội nêu ra nhằm xử lý các dự án đang nợ đọng tiền sử dụng đất kéo dài trên địa bàn Hà Nội.

Đề xuất thu hồi dự án nợ thuế đất kéo dài ảnh 1
- Thưa ông, hiện tại, số tiền nợ sử dụng đất chính thức trên địa bàn thành phố Hà Nội là bao nhiêu?

- Tổng số nợ thuế và phí trên địa bàn thành phố hiện là 23.000 tỷ đồng. Trong đó, số nợ tiền sử dụng đất là 7.400 tỷ đồng. Doanh nghiệp nợ nhiều nhất hơn 320 tỷ đồng. 66 dự án nợ lớn nhất chiếm tới 4.600 tỷ đồng. Trong tổng số nợ tiền sử dụng đất, có 3.200 tỷ đồng thuộc các dự án không hề có vướng mắc gì.

- Trách nhiệm của ngành thuế ra sao trước những món nợ khổng lồ này?

- Chúng tôi rất sốt ruột. Trách nhiệm ở đây thuộc về cơ quan thuế và doanh nghiệp. Ngành thuế luôn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, cố gắng tìm giải pháp tháo gỡ, động viên, đôn đốc để doanh nghiệp nộp tiền đất. Giải pháp cuối cùng mới phải cưỡng chế nợ.

Đặc biệt, với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ nhưng không hiệu quả, Cục Thuế TP sẽ áp dụng biện pháp mạnh hơn như đề xuất phong tỏa tài khoản, đình chỉ hóa đơn sử dụng, công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng… Với những trường hợp vi phạm quy định của Luật Đất đai, ngành thuế có thể kiến nghị cấp có thẩm quyền kiểm tra thu hồi dự án theo luật định.

- Vừa rồi, ngành thuế đã công bố hàng loạt doanh nghiệp nợ đọng tiền đất kéo dài, phản ứng từ các doanh nghiệp ra sao?

- Bị nêu tên như thế thì không ai thích rồi. Nhiều doanh nghiệp có phản ứng vì nêu tên như thế sẽ ảnh hưởng nhất định tới uy tín, thương hiệu cũng như mối quan hệ làm ăn của họ. Tuy nhiên, việc nêu tên cũng có tác động tích cực. Vừa qua, trong số các doanh nghiệp được nêu tên, đã có 22 doanh nghiệp nộp vào ngân sách hơn 360 tỷ đồng, trong đó có 5 doanh nghiệp nộp xong toàn bộ số tiền còn nợ.

- Việc các doanh nghiệp bất động sản nợ đọng tiền sử dụng đất có ảnh hưởng tiêu cực tới người mua nhà, thưa ông?

- Người dân không nên mua nhà của các doanh nghiệp nợ tiền đất vì sau này người mua nhà sẽ rất khó khăn khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà. 

- Doanh nghiệp nợ bao lâu thì sẽ bị nêu tên? Trường hợp ngành thuế chưa công bố thì làm thế nào để người dân biết được doanh nghiệp đang nợ tiền đất để tránh không mua nhà, thưa ông? 

- Theo quy định, các trường hợp nợ tiền thuế 90 ngày đã phải cưỡng chế thu. Tuy nhiên, trong thực tế, ngành thuế cũng tìm các giải pháp động viên để doanh nghiệp tự giác nộp thuế, chỉ các trường hợp cố tình chây ỳ, đã được đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn không nộp thì mới bị nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài danh sách các doanh nghiệp bất động sản vừa bị nêu tên, với trách nhiệm của mình, ngành thuế đang tiếp tục rà soát doanh nghiệp nợ thuế để xem xét công bố, giúp người dân nắm được để phòng tránh, không mua sản phẩm của các doanh nghiệp này.

- Việc cơ quan thuế áp dụng các biện pháp mạnh với các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thị trường bất động sản, thưa ông?

- Khi Nhà nước giao đất cho doanh nghiệp làm dự án kinh doanh thu lợi nhuận thì doanh nghiệp phải đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước. Cụ thể ở đây là doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất. Khi lập dự án, doanh nghiệp phải đủ năng lực tài chính mới được giao đất, vậy nên không có lý do gì để doanh nghiệp không nộp tiền sử dụng đất.

 Với một số doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự, Cục Thuế, Sở TN-MT, Sở Xây dựng sẽ xem xét để tìm hiểu xem vướng mắc ở đâu để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Còn những doanh nghiệp được Nhà nước ưu đãi, doanh nghiệp đã triển khai dự án, có dòng tiền luân chuyển thì không có lý do gì để nợ thuế đất.