Công an Hà Nội dẫn đầu cả nước về đấu tranh với tội phạm truy nã

ANTĐ -Sáng 20-2, Công an Thành phố Hà Nội tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm (21/2/1946 – 21/2/2016). Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh – Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an.

Tại buổi lễ, lực lượng Công an Thành phố Hà Nội ôn lại truyền thống vẻ vang, quá trình phấn đấu, trưởng thành và những đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của Cảnh sát truy nã tội phạm. Trong đó, nhấn mạnh sau 30 năm thực hiện đổi mới (từ năm 1986 đến nay) công tác truy nã đã có những bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Năm 1990, lực lượng chuyên trách truy nã tội phạm đầu tiên của Công an Hà Nội được thành lập, đó là Đội Truy nã thuộc Phòng Cảnh sát hình sự. Năm 2004, thực hiện Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, cả Công an Hà Nội và Công an tỉnh Hà Tây (cũ) đều thành lập Đội Quản lý đối tượng truy nã thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra. 

Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh- Cục trưởng Cảnh sát truy nã tội phạm, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an, trao thưởng cho cá nhân, tập thể đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác truy bắt tội phạm

Trong hơn 10 năm trở lại đây, Công an Thành phố Hà Nội là địa phương có kết quả bắt, vận động đầu thú, thanh loại đối tượng truy nã đứng đầu toàn quốc. Nhiều biện pháp hiệu quả nhằm hạn chế phát sinh nên số đối tượng truy nã hiện đã giảm nhiều. Cụ thể, đến ngày 1/1/2004, toàn Hà Nội có 1.137 đối tượng truy nã, tính đến ngày 15/2, toàn thành phố còn 1.004 đối tượng truy nã, giảm được 133 đối tượng. Riêng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an Hà Nội, đến nay đã bắt, vận động đầu thú được 447 trường hợp truy nã trong đó có 74 đối tượng truy nã đặc biệt, 70 đối tượng nguy hiểm.

Những vụ bắt đối tượng truy nã điển hình của Công an Thành phố Hà Nội phải kể đến vụ truy bắt Dương Hoàng Dũng (tức Dũng “ben”). Đây là đối tượng bị truy nã đặc biệt nguy hiểm về các tội giết người, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản.

Vụ truy bắt Nguyễn Văn Đức (tức Đức “Cổ Lễ”), đối tượng bị Công an TP.HCM ra quyết định truy nã nguy hiểm ngày 26/3/2014 về tội cố ý gây thương tích. Hay gần đây nhất là vụ phối hợp với các đơn vị chức năng bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Trần Quốc Hùng (tức Hùng “lô”, ở phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)… 

Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội trao thưởng cho đơn vị có thành tích xuất sắc

Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh - Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm, ghi nhận và đánh giá cao những thành tích xuất sắc trong công tác của Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Thủ đô. Đồng thời, Cục trưởng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm mà Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã giao. Đó là, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác truy nã tội phạm, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ chiến sỹ, đặt an toàn tính mạng, sức khỏe của cán bộ chiến sỹ và người dân, đối tượng truy nã lên hàng đầu; chủ động ngăn chặn tình trạng người phạm tội lẩn trốn, hạn chế phát sinh đối tượng truy nã.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc CATP Hà Nội trao thưởng cho đơn vị có thành tích xuất sắc

Triển khai có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 71 và Chỉ thị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an về nhiệm vụ công tác Công an năm 2016 về công tác truy nã tội phạm một cách hiệu quả, góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm... Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, công tác truy nã tội phạm nói riêng. Tăng cường quan hệ và hợp tác quốc tế trong công tác bắt đối tượng truy nã…