Công an Hà Nội căng mình đảm bảo an toàn cho người dân

ANTĐ - Từ đêm 27-7 đến sáng 28-7, cơn bão số 1 tràn vào các tỉnh phía Bắc, mưa to gió lớn quần thảo khắp trời Hà Nội. Hàng loạt cây xanh bị gãy đổ, bung gốc, nằm ngổn ngang ở một số tuyến đường. Nhiều người dân và phương tiện tham gia giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Nhận định trước tính chất phức tạp của cơn bão, Giám đốc CATP đã chỉ đạo toàn lực lượng Công an Thủ đô nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo tối đa an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân.

Cắm chốt tại từng điểm nóng

Ngày 26-7, ngay sau khi nhận được công điện của BCH phòng chống thiên tai TP. Hà Nội, CATP đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị, địa bàn bố trí lực lượng, phương tiện, đảm bảo ANTT địa bàn; theo đúng kế hoạch, phương án đã chuẩn bị từ đầu mùa mưa bão. Cũng trong ngày 26-7, Giám đốc CATP đã phân công các đồng chí Phó Giám đốc trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do mưa bão và giúp đỡ nhân dân ở các địa bàn ngập, úng.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang khắc phục sự cố do mưa bão gây ra

Những yêu cầu cụ thể được đặt ra: Phòng Cảnh sát đường thủy sẵn sàng kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các ngành liên quan chủ động và khắc phục hậu quả.

Công an các quận, huyện, thị xã nắm tình hình úng ngập, những thiệt hại về người, tài sản, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành cứu hộ, cứu nạn; phối hợp với CSGT tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, giải tỏa các điểm ùn tắc nhất là các điểm có cây đổ, gãy, ảnh hưởng đến giao thông.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Giám đốc CATP, lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát khu vực tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm bị ngập, úng, tuyến đường, phố có cây đổ. “Mọi điểm nóng trong và sau mưa bão đều phải có mặt lực lượng Công an”, đó là tinh thần chỉ đạo của Giám đốc CATP.

Chủ động phân luồng

Từ 5h sáng 28-7, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng CSGT đã cùng với tổ công tác đi kiểm tra công tác đảm bảo TTATGT tại các tuyến đường nội đô. Dọc trục đường Láng, trước tình trạng nhiều cây xanh bị gãy, đổ, Trưởng Phòng CSGT đã yêu cầu Đội CSGT số 3 khẩn trương bố trí lực lượng phân luồng, đồng thời phối hợp với đơn vị quản lý cây xanh thu dọn, đảm bảo an toàn giao thông.

CSGT tham gia khắc phục hậu quả cơn bão

Tại tuyến đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Núi Trúc..., Trưởng Phòng CSGT cũng chỉ đạo Đội CSGT số 2, tăng cường lực lượng phân luồng từ xa và cảnh báo lái xe đảm bảo an toàn ở các ngã tư, nơi có cây xanh bị gãy đổ.

Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, trước tình trạng hàng chục cây xanh bị gãy đổ, có trường hợp đè lên phương tiện khiến lái xe bị thương, CSGT đã lập tức cùng Công an cơ sở và lực lượng chức năng triển khai biện pháp cứu người, tài sản, và thông tin nhanh nhất đến người dân, các lái xe biết, để chủ động chọn lộ trình thích hợp hơn.

Ngay từ 6h sáng, trên dọc trục Quốc lộ 32, nhiều cây xanh bị gãy đổ, gây ảnh hưởng đến ATGT. Đội CSGT số 9 đã chỉ đạo CBCS khẩn trương có mặt tại những điểm, nút giao thông có nguy cơ xảy ra ngập úng để phân luồng, đảm bảo giao thông cho các phương tiện đi lại.

Thông tin với PV, Thiếu tá Trương Song Thành, Đội trưởng đội CSGT số 9 cho biết, trên địa bàn có 21 cây xanh lớn bị gãy đổ, trong đó có 4 cây chắn ngang đường ảnh hưởng đến TTATGT. Cho đến 9h sáng cùng ngày, cơ bản số cây gãy đổ đều được CSGT và lực lượng chức năng dọn dẹp, trả lại sự thông thoáng, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Lực lượng cứu hộ tích cực vào cuộc

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội cho biết: từ đêm 27 chiều  28-7, lực lượng cứu hộ, cứu nạn các phòng khu vực đã đồng bộ triển khai biện pháp khắc phục sự cố do mưa bão gây ra.

Công tác cứu hộ được triển khai rộng khắp các khu vực Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Hoàng Mai, Tây Hồ, Long Biên, Cầu Giấy… Hàng trăm cây đổ, nghiêng, gãy và mái tôn sập, tốc...đã được giải quyết kịp thời.

Trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 cho biết, trong đêm 27-7, lực lượng chức năng đã xử lý 4 trường hợp bị tốc mái, và cây đổ vào nhà dân. Đặc biệt, lực lượng cứu hộ thuộc Cảnh sát PCCC số 2 đã nỗ lực khắc phục mái tôn có diện tích hàng trăm m2 của nhà ga Trần Quý Cáp, quận Đống Đa.

Theo lực lượng làm nhiệm vụ, mái tôn bị gió tốc rơi từ tầng 5 xuống đất làm sập hoàn toàn khung thép, gây chập điện nổ trạm biến áp khu vực. Lớp mái tôn này còn chắn ngang phố Trần Quý Cáp khiến giao thông bị ách tắc cục bộ. Tuy nhiên, những ảnh hưởng đó đã từng bước được lực lượng chức năng giải quyết…

Tăng cường tuần tra ban đêm, đảm bảo 100% quân số ứng trực

Chiều 28-7, Đại tá Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc – Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Công an Hà Nội đã ký công văn hỏa tốc gửi đến các đơn vị, địa bàn thuộc CATP; yêu cầu tăng cường nắm tình hình và triển khai lực lượng, phương tiện phòng chống lụt bão.

Theo đó, các lực lượng CSHS, CSTT, CSCĐ và Cảnh sát Bảo vệ tăng cường tuần tra, kiểm soát ban đêm, nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm bị úng ngập; bố trí xe tải gầm cao hỗ trợ người dân và phương tiện qua lại tại khu vực nước ngập sâu kéo dài. Các đơn vị chủ động tổ chức trực ban, trực chiến 24/24h, đảm bảo 100% quân số trực và ứng trực để giải quyết, đối phó với tình huống đột xuất do ảnh hưởng của bão gây ra.