Cơ hội cho những người chuyển giới

ANTĐ - Cách đây ít ngày, với đa số phiếu tán thành, quyền chuyển đổi giới tính tại Việt Nam đã được Quốc hội thừa nhận. Đây là một bước tiến quan trọng thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng quyền con người, phù hợp với thực tiễn và được đa số người dân đồng tình ủng hộ. 
Cơ hội cho những người chuyển giới ảnh 1

Mừng nhưng vẫn lo

Theo Điều 37 - Bộ luật Dân sự (sửa đổi), “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan” .

Trong gia đình có người em trai thuộc “giới tính thứ ba”, anh Nguyễn Đình Tuấn ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ cho biết, em trai anh bị phát hiện là “không bình thường” khi đang học lớp 12, cả nhà buồn như đưa đám, thậm chí bố mẹ anh còn coi người con này như một thứ... “nợ đời”. Cô đơn và buồn tủi, em trai anh Tuấn đã bỏ nhà vào Cần Thơ xin phụ việc trong một cửa hàng cắt tóc, từ bỏ việc học hành. Sau vài năm, bố mẹ anh Tuấn dần hiểu ra, thông cảm với con hơn, song vẫn kiên quyết không cho quay về. “Hôm nghe tin pháp luật đã thừa nhận người chuyển giới, mẹ tôi khóc như mưa. Bà bảo tôi vào Cần Thơ tìm em và hứa sẽ cho tiền để em tôi ra nước ngoài chuyển đổi giới tính. Đây thực sự là tin vui lớn đối với gia đình tôi” - anh Tuấn phấn khởi nói.

Có tâm trạng tương tự nhưng với tư cách là “người trong cuộc”, anh N.T.M (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vô tình để lộ giới tính thật của mình trong một lần quá chén với bạn bè. Sau lần đó, ngoài số ít người cảm thông, số còn lại nhìn anh Đ với ánh mắt nghi ngại, thậm chí dè bỉu vì cho rằng nguyên nhân là do anh ăn chơi đua đòi, thường xuyên tiếp xúc với văn hóa phẩm thiếu lành mạnh. Dù đã ra nước ngoài chuyển giới, nhưng anh M luôn sống khép mình, việc học tập, sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Do vậy, khi biết mình sẽ được đăng ký thay đổi hộ tịch và được hưởng nhiều quyền nhân thân khác, anh M có cảm giác như mình được sinh ra lần thứ hai. “Chúng tôi không còn cảm giác mình thuộc diện “ngoài vùng phủ sóng” nữa. Mặc dù vậy, tôi vẫn còn băn khoăn về cách thức, thủ tục công nhận người chuyển giới, ví dụ như thời gian họ được công nhận sau khi phẫu thuật là bao lâu?”- anh M tâm sự.

Trong thực tiễn, thời gian qua đã có không ít người Việt Nam ra nước ngoài để chuyển đổi giới tính. Do đó, việc pháp luật nước ta thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc. Tuy vậy, để quy định này sớm đi vào cuộc sống là điều không đơn giản.

Cần thận trọng khi triển khai

Liên quan đến nội dung trên, ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, để triển khai quy định này cần có sự chuẩn bị toàn diện về các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và y tế. Hiện chưa có văn bản nào quy định người chuyển giới phải phẫu thuật ở mức độ nào mới được pháp luật thừa nhận. Bên cạnh đó, các cuộc phẫu thuật này hầu hết được thực hiện ở nước ngoài với chi phí rất đắt nên không phải ai cũng có đủ điều kiện phẫu thuật. Song, họ vẫn muốn được sống với giới tính thực sự của mình và được khai họ tên, được hưởng các quyền nhân thân theo đúng giới tính đó. Pháp luật hiện vẫn bỏ ngỏ vấn đề này. 

Thời gian qua đã xảy ra không ít vụ trọng án mà đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là người có vấn đề về giới tính. Một trong những lý do dẫn tới điều này là họ có cảm giác mình là người vô thừa nhận, bị xã hội bỏ rơi, bị cô lập nên sinh ra bất mãn, chán chường, sống buông thả, dễ có những hành vi vi phạm pháp luật. Đến nay, khi đã có cơ hội được là chính mình, áp lực tâm lý được dỡ bỏ, những người “thuộc giới tính thứ ba” sẽ có động lực tốt làm những việc có ích cho cộng đồng. Điều này cũng tạo điều kiện cho cơ quan chức năng trong việc thực thi nhiệm vụ khi giải quyết những khó khăn trong bố trí nơi tạm giam, tạm giữ với đối tượng phạm tội là người chuyển giới.

Việc thừa nhận chuyển đổi giới tính là một bước tiến quan trọng, thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp 2013 về tôn trọng quyền con người. Song, để người chuyển giới có thể hòa nhập với cộng đồng, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền những kiến thức về người chuyển giới, để mọi người dân được nắm rõ, tránh việc quy định đã có nhưng không phát huy được hiệu quả trong thực tế.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa, ngoài cá nhân có nhu cầu chuyển giới thực sự thì vẫn còn người làm việc này chỉ vì a dua, đua đòi. Vì vậy, nếu pháp luật không sớm ban hành những quy định chặt chẽ, thống nhất sẽ dễ dẫn tình trạng chuyển đổi giới tính tràn lan, tạo ra những hệ lụy không nhỏ cho xã hội. Bên cạnh đó, do việc chuyển đổi giới tính sẽ làm thay đổi rất lớn hồ sơ pháp lý của mỗi cá nhân nên các cơ quan liên quan cần chuẩn bị kỹ trước khi ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật.