Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Nếu ĐBQH Võ Kim Cự né báo chí vụ Formosa, tôi sẽ nhắc nhở

ANTĐ -Đặt câu hỏi với nữ Chủ tịch Quốc hội, phóng viên nêu việc một số ĐBQH có tình trạng né tránh hoặc ngại tiếp xúc, trả lời báo chí liên quan đến những vụ việc nhạy cảm, được dư luận quan tâm, cụ thể như trường hợp của ĐBQH Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ cấp phép đầu tư cho Formosa.
Sáng nay, 23-7, tại buổi họp báo ra mắt ngay sau khi vừa được Quốc hội khóa XIV bầu tái đắc cử làm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều hình thức giám sát với vụ Formosa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với báo chí tại buổi họp báo sáng 23-7

Sáng nay, 23-7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tổ chức buổi họp báo ngay sau khi tái đắc cử làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV một ngày trước đó. Trả lời câu hỏi nêu trên của phóng viên tại buổi họp báo, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ĐBQH có quyền trả lời hay không trả lời báo chí về cảm nhận của riêng mình với những vụ việc cụ thể, điều này còn tùy thuộc vào kiến thức và thông tin mà ĐBQH có được về vấn đề đó.

Chẳng hạn với vụ việc Formosa, trong gần 500 ĐBQH, không phải tất cả ĐBQH đều hiểu đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án này. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, ĐBQH là người đại diện của dân, nói lên tiếng nói của dân nên nếu ĐBQH có thông tin đầy đủ, đã là ĐBQH thì nên chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, như thế sẽ tốt hơn là né tránh.

“Cụ thể với trường hợp của ông Võ Kim Cự, ĐBQH khóa XIV, nếu đúng như báo chí phản ánh về việc ĐBQH này né tránh báo chí, tôi sẽ gặp gỡ ông Võ Kim Cự để nhắc nhở. Tất nhiên trả lời báo chí hay không là quyền của ĐB nhưng đã là ĐBQH thì phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, không né báo chí, nhất là khi mình là lãnh đạo của tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp liên quan đến giai đoạn cấp phép cho Formosa. Trong các sinh hoạt của Quốc hội, tôi sẽ đề nghị các ĐBQH cung cấp thông tin cụ thể” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

ĐBQH Võ Kim Cự, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - người có dấu ấn lớn trong việc cấp phép cho Formosa vào đầu tư 70 năm tại Hà Tĩnh - phát biểu tại hội trường Quốc hội

Tiếp tục trả lời các câu hỏi liên quan đến Formosa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, không chỉ Chính phủ, các cơ quan chức năng mà Quốc hội cũng đang có nhưng giám sát độc lập riêng để đánh giá đầy đủ, khách quan. Hiện tại chưa cần thiết đặt vấn đề lập ủy ban lâm thời để giám sát xử lý vụ Formosa như có ĐBQH đề xuất mà Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện các kết của Formosa và có các biện pháp giám sát phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Hiến pháp đã nêu rõ nhân dân được quyền sống trong một môi trường trong lành, bất cứ cá nhân tổ chức nào làm cho môi trường sống của cá nhân không trong lành thì phải chịu trách nhiệm. Vụ Formosa là bài học, kinh nghiệm đắt giá để chúng ta đánh giá lại, xem xét môi trường đầu tư, thu hút đầu tư thời gian tới”.

Cũng tại buổi họp báo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội chắc chắn sẽ giám sát việc bổ nhiệm nhân sự ở các cơ quan nhà nước, sau khi có nhiều vụ sai phạm liên quan đến bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ở một số Bộ ngành, địa phương thời gian qua. Quốc hội sẽ giám sát và chỉ ra rõ ràng xem việc bổ nhiệm cán bộ có đúng tiêu chuẩn hay không chứ không phải chỉ là đúng quy trình.

“Quy trình bổ nhiệm cán bộ thì có lẽ trường hợp bổ nhiệm nào cũng đúng quy trình cả nhưng quy trình là điều kiện cần chứ chưa đủ, phải có tiêu chí, phải đánh giá đồng chí được bổ nhiệm có xứng đáng với vị trí được bổ nhiệm hay không. Cũng giống như Quốc hội thông qua luật, ban hành luật đều đúng quy trình nhưng có những luật chưa khả thi. Quốc hội chắc chắn sẽ giám sát vấn đề bổ nhiệm nhân sự” – nữ Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ thông tin về quan điểm của Quốc hội khóa XIV và cá nhân bà với tư cách người đứng đầu Quốc hội khóa XIV trong việc chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đồng thời khẳng định quan điểm của Quốc hội khóa XIV trong vấn đề chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ vẫn sẽ giữ nguyên, không có gì thay đổi so với Quốc hội khóa XIII.