Chính sách ngoại giao của triều Mạc

ANTĐ - Dự kiến tại Kỳ họp thứ 13 Hội đồng nhân dân thành phố khóa XIV (nhiệm kỳ 2011 - 2016) sẽ thảo luận và ra nghị quyết về đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn Hà Nội. Việc sử dụng tên danh nhân để đặt tên đường phố Hà Nội được dư luận và người dân hết sức quan tâm, bởi trong đề xuất có một số danh nhân đã có những nhận thức khác nhau trong từng giai đoạn lịch sử, như: Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông, Nguyễn Hoàng.

Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc ở Hải Phòng

Đã có khá nhiều bài báo, ý kiến nhà khoa học, cơ quan chuyên môn và đông đảo người dân có bài viết, ý kiến trên báo chí, mạng xã hội đồng tình với đề xuất trên của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, dù không nhiều nhưng cũng có bài báo dựa trên cơ sở những tài liệu và nhận thức cũ để chưa đồng tình với việc này. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu khoa học những năm gần đây và nhận thức cá nhân một người nghiên cứu lịch sử, chúng tôi thấy cũng nên có thêm tiếng nói khi nhận định về Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông để bầy tỏ sự đồng tình với sự việc trên. Ý kiến chưa đồng tình, chúng tôi nhận thấy cơ bản cho rằng nhà Mạc có nhiều chính sách sai lầm trong sách lược ngoại giao với nhà Minh (Trung Quốc), thậm chí vẫn sử dụng những quy kết cũ vì thành kiến của các sử gia phong kiến Lê – Trịnh là “đầu hàng” và “dâng đất”.

Để góp phần làm rõ sự thật, thấy được bản chất lịch sử của vấn đề, trong bài viết này, do những ý kiến của các nhà sử học hiện tại đã được trích dẫn nhiều, nên chủ yếu chúng tôi sẽ dựa trên tư liệu của các sử gia cũ để làm rõ những đóng góp của Vương triều Mạc cũng như các vị vua đầu triều Mạc trong ứng xử ngoại giao, chiến lược quân sự nhằm đối phó với kẻ thù phương Bắc, bảo vệ lợi ích dân tộc và độc lập của Tổ quốc.

Thứ nhất, về quan hệ với nhà Minh:

Năm 1527, Thái sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung theo đa số ý kiến các đại thần phế bỏ nhà Lê sơ vốn đã mục ruỗng mà lên ngôi Hoàng đế, lập nên nhà Mạc. Chỉ một thời gian ngắn sau khi nhà Mạc ra đời, một số cựu thần nhà Lê là Trịnh Ngung, Trịnh Ngang “chạy sang triều Minh tố cáo Đăng Dung cướp nước và xin viện nhà Minh đưa quân sang đánh dẹp” (Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Nxb. Khoa học xã hội – 1978, tr. 268). Năm 1536, vua Lê Trang Tông sai Trịnh Viên sang “thỉnh cầu nhà Minh xuất quân đánh Mạc” (Quốc sử quán triều Nguyễn: Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb. Giáo dục – 2007, tr. 110). Tiếp đó, năm 1537 vua Lê phái Trịnh Duy Liêu sang Trung Quốc “tha thiết xin viện binh của nhà Minh” (Quốc sử quán triều Nguyễn: Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb. Giáo dục – 2007, tr. 111). Cũng trong năm đó, Vũ Văn Uyên bề tôi cũ của nhà Lê dẫn một vạn quân đầu hàng nhà Minh và sẵn sàng dẫn đường cho quân Minh tiến vào nước ta (Minh Thực lục loại toản, Vũ Hán xuất bản xã, 1991, tr. 795). Như vậy, nhà Lê Trung hưng đã nhiều lần cử người sang cầu viện và sẵn sàng dẫn đường cho quân Minh tiến vào nước ta. Nhân cơ hội này, vua Minh Thế Tông đã sai Cừu Loan và Mao Bá Ôn dẫn 22 vạn quân tiến sát biên giới Việt – Trung.

Đứng trước nguy cơ đất nước bị xâm lược, Mạc Đăng Dung (lúc này đã thoái vị) cùng con cháu, triều thần quyết tâm đối phó bằng sách lược kết hợp giữa quân sự và ngoại giao; vừa tích cực chuẩn bị lực lượng để kháng chiến, vừa chủ động dùng phương sách ngoại giao, đàm phán để đạt mục đích không để chiến tranh xẩy ra, tránh cho dân chúng khỏi thảm họa, đau khổ.

Một mặt, Triều đình nhà Mạc “liền tu sửa trại sách, luyện tập thủy quân, trưng cầu hết thẩy các cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước” (Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Nxb. Khoa học xã hội – 1978, tr. 277). Trong cuốn: “Nhà Mạc và Họ Mạc, ý chí và mục tiêu chiến lược” (Nxb. Dân Trí, HN, 2011), Giáo sư, tiến sỹ khoa học Phan Đăng Nhật, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa dân gian đã dẫn: “Sách “Thù vực chu tư lục” (Nghiêm Tòng Giản, nhà Minh biên soạn) còn cho biết triều đình nhà Minh tranh cãi về việc đánh hay không đánh khá gay go. Khi Mao Bá Ôn đến Nam Ninh đã thấy quân dân Việt chuẩn bị chống lại quyết liệt, lấy thuốc độc, bã đậu bỏ vào suối nước, đào hố chôn cọc tre để ngựa sa hố, lại phao ngôn sẽ theo đường biển tập kích Quảng Đông. Như vậy chứng tỏ khi ấy nhà Mạc chuẩn bị sẵn sàng hai kế sách chiến và hoà” và “Cho người làm nhiệm vụ tình báo “dò la bám sát các hoạt động quân sự của nhà Minh, như trường hợp tri châu Nguyễn Cảnh, năm 1537, được nhà Mạc bí mật phái sang đất Minh để thu thập tin tức bị thổ quan của Vân Nam giữ lại”.

Mặt khác, Mạc Đăng Dung dùng kế trá hàng: “Bỏ xưng tiếm hiệu (không xưng hoàng đế); xin theo lịch chính sóc (tức theo lịch của nhà Minh); Trả lại đất bốn động đã chiếm; xin nội thuộc xưng thần; xin hàng năm ban lịch Đại Thống (tức lịch của nhà Minh) và bù đủ các lễ vật tiến cống hàng năm” (Đại việt sử ký toàn thư, tập 3, tr. 119). Cũng như hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam trước đó, tất cả ứng xử của nhà Mạc với nhà Minh, như ý kiến của GS. Trần Quốc Vượng là: Cũng chỉ nằm trong một chiến lược ngoại giao hằng xuyên suốt của một nước Việt nhỏ, sát cạnh một nước Hoa lớn “thần phục giả vờ, độc lập thực sự” (Vassalité fidive, Indépendance réelle). Mặc dù đã chiến thắng vẻ vang quân Minh năm 1427, anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi đã vì chiến lược lâu dài bảo vệ lợi ích dân tộc cũng phải sai sứ sang nhà Minh dâng biểu cầu phong, nộp lễ vật, nộp tượng người bằng vàng thế thân… Lúc đó, vua Minh chỉ phong cho Lê Lợi chức “Quyền thự An Quốc sự” về sau mới phong “An Nam Quốc vương”.

Bằng biện pháp trá hàng, Mạc Đăng Dung đã tránh được cho đất nước thoát khỏi họa xâm lăng của nhà Minh, tránh được bài học thất bại của Hồ Quý Ly năm 1407 khiến cho dân ta đau khổ, lầm than hơn 20 năm trời. Cũng cần lưu ý, khi Mạc Đăng Dung lên biên giới phía Bắc thực hiện “khổ nhục kế” thì ông thoái vị đã lâu, không còn làm vua nữa. Như vậy, Mạc Đăng Dung đã ý thức đến tính biểu tượng của thể diện quốc gia dân tộc mà vua mới là người đại diện.
Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Hành động “đầu hàng” của nhà Mạc do Minh sử chép là một sự phóng đại để khoe khoang, hành động ấy vua Lê sau này cũng lặp lại gần nguyên xi thì lại không bị sử gia nhà Lê nêu lên để phê phán. Đó (việc làm của vua Mạc) chẳng qua là một hành động “tượng trưng”, (quàng dây lụa vào cổ, không phải là tự trói), một sự “nhún mình” (cũng có thể nói là hơi quá đáng) của một nước nhỏ đối với nước lớn trong điều kiện tương quan chính trị ngày xưa (và nên nhớ lúc ấy Mạc Đăng Dung đã thôi ngôi được 10 năm rồi và là một ông già sắp chết (từ Nam quan trở về được mấy tháng thì ông qua đời), ông già này gánh nhục cho con, cho cháu và cho cả nước mà cứ bị mang tiếng mãi!). Tất cả ứng xử của Mạc với Minh cũng chỉ nằm trong một chiến lược ngoại giao hằng xuyên của Việt nhỏ Hoa lớn “thần phục giả vờ, độc lập thực sự” (Vassalité fidive, Indépendance réelle). Mà thực sự ở thời Mạc không có bóng một tên xâm lược nào trên đất nước ta, quan bảo hộ, dù hình thức như chức “Đạt lỗ hoa xích” ở Thăng Long triều Trần cũng không. Thế tại sao người này thì khen là khôn khéo, người khác lại chê là hèn hạ?” (trích bài “Mấy vấn đề về nhà Mạc” trong cuốn “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Nxb. KHXH, HN, 1996).   

Trở lại Kinh đô Thăng Long, vua nhà Mạc (Mạc Phúc Hải) vẫn xưng hoàng đế, vẫn làm chủ đất nước Đại Việt.

Nói họ Mạc “hèn hạ”; xin hãy đọc lại cuộc đối đáp văn chương (thực chất là cuộc đấu tranh chính trị) giữa Mao Bá Ôn và Trạng nguyên Giáp Hải, người theo lệnh Mạc Đăng Dung đi cùng lên biên giới, rồi xướng họa thơ với tướng giặc trước hơn 22 vạn quân Minh, sẽ thấy rõ họ Mạc có “hèn hạ” không?

Nguyên văn bài thơ của Mao Bá Ôn:

Tùy điền trục thủy mạo ương châm,

Đáo xứ khan lai thực bất thâm.

Không hữu bản căn không hữu cán,

Cảm sinh chi diệp, cảm sinh tâm.

Đồ tri tụ xứ ninh tri tán,

Đản thức phù thời ná thức trầm.

Đại để trung thiên phong ác khí,

Tảo quy hồ hải cánh nan tầm

Dịch nghĩa:

Xương cốt như cái kim, trôi theo ruộng nước,

Đến bên mới thấy, gốc cắm chẳng sâu.

Thân rễ đều rỗng, cành lá cũng rỗng,

Đâu dám mọc cành lá, đâu dám có lòng.

Đâu biết tản ra, chỉ những tụ lại,

Nào biết chìm xuống, chỉ biết nổi lên.

Lênh đênh giữa trời, gặp cơn gió mạnh,

Quét ra hồ ra bể, biết đâu mà tìm?

Bài thơ trên của Mao Bá Ôn hết sức ngạo mạn, coi khinh dân ta hèn kém không có nguồn gốc, chỉ cần đánh một trận là tan tác.

Bài họa của Trạng nguyên Giáp Hải:

Cẩm lân mật mật bất dung châm,

Đái giáp liên căn bất kế thâm.

Đường dữ bạch vân tranh thủy diện,

Khẩn tàn hồng nhật chiếu ba tâm.

Thiên trang lãng đã thành nan phá,

Vạn trận phong suy vĩnh bất trầm.

Đa thiểu ngư long tàng lý diện,

Thái Công vô kế bất câu tầm.

Dịch nghĩa:

Dầy như vẩy gấm, mũi kim đừng hòng sỏ,

Mang áo giáp liền với rễ, chẳng cần phải sâu.

Đường đường tranh mặt nước với mây trắng,

Đâu để mặt trời rọi xuống sóng nước sâu.

Dù cho ngàn trùng sóng vỗ, khó mà phá nổi;

Dù muôn trận bão dông, cũng mãi không chìm.

Không ít cá, rồng núp ở dưới ấy,

Lưỡi câu của Lã Vọng biết đâu mà tìm?

(Lâm Giang: Trạng nguyên Giáp Hải, Nxb. KHXH, Hà Nội- 2009, tr. 91- 93).

Đối lại, Trạng nguyên Giáp Hải với lời lẽ ôn hòa mà cứng rắn, thể hiện rõ ý chí và sức mạnh của nhân dân ta không dễ gì khuất phục để họa lại thơ Mao Bá Ôn. Tương truyền, sau khi nghe xong bài họa thơ này, Mao Bá Ôn biết rằng chí khí triều đình và người dân Đại Việt vốn kiên cường, dù nay đang nhẹ nhàng, mềm dẻo nhưng đã quyết tâm chuẩn bị cho kháng chiến chống xâm lược, nếu nó xẩy ra.

Như vậy, Mạc Đăng Dung đã cùng triều đình nhà Mạc lựa chọn phương thức đấu tranh khéo léo kết hợp sức mạnh tổng hợp rất thông minh, nắm tâm lý của kẻ địch: hống hách, sỹ diện, kiêu ngạo nhưng cũng lo sợ không muốn tiến quân. Ông đã làm cho địch đủ ngại ngần, lo sợ nhưng vẫn để Thiên triều giữ được thể diện nước lớn. Ông lại đặt quyền lợi tối cao của đất nước lên trên sỹ diện cá nhân. Nhờ vậy mà hơn 22 vạn quân Minh, do tướng giặc Cừu Loan và Mao Bá Ôn dẫn đầu đã áp sát biên giới phải lui binh, không dám xâm lược nước ta mà không tốn một mũi tên, không mất một giọt máu, mạng người.

Về chính sách đối ngoại của nhà Mạc với nhà Minh, nhiều nhà nghiên cứu như: Ngô Đăng Lợi, Nguyễn Danh Phiệt, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Minh Tường, Phan Văn Các, Hoàng Lê, Phan Đăng Nhật, Đinh Khắc Thuân… đều đã khẳng định: Nhà Mạc thực sự không đầu hàng, Mạc Đăng Dung không hề mắc tội phản quốc.

Về bảo vệ lãnh thổ, biên cương đất nước:

Đại Việt sử ký toàn thư ghi, Mạc Đăng Dung hai lần cắt đất dâng cho nhà Minh. Lần đầu tiên vào năm 1528, Mạc Đăng Dung “cắt đất, dâng nhân dân hai châu Quy và Thuận”. Nhưng thật sự khi đối chiếu lịch sử, địa lý thì hai châu này đã bị nhà Tống chiếm từ thời Lý. Như vậy sự ghi chép này không chính xác.

Lần thứ hai vào năm 1540, Mạc Đăng Dung dâng cho nhà Minh bốn động nhưng một số tài liệu khác lại nói là sáu động. Tại sao lại có sự ghi chép không thống nhất như vậy? Chính Giáo sư Huệ Chi đã lý giải: “Các sử quan của nhà Lê Trung hưng viết về nhà Mạc cũng viết không đến nơi đến chốn” (Bước đầu suy nghĩ về văn học Mạc, Tạp chí Xưa & Nay số 385 tháng 8/2011). Về vấn đề này, Minh thực lục có chép: “Mới đây thần - tức Mạc Đăng Dung - nghe Tri châu châu Khâm tỉnh Quảng Đông Lâm Hy Nguyên xưng rằng các động Ty Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Như Tích, Thiếp Lãng là đất cũ của châu Khâm; nếu đúng như vậy thần xin vâng lời” (Minh Thực lục quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, tập 3, Nxb. Hà Nội, tr. 216). Căn cứ vào ghi chép này, chúng ta nhận thấy ngay sử nhà Minh cũng thừa nhận không hề có chuyện Mạc Đăng Dung “cắt đất của Tổ quốc cho nhà Minh”. Mạc Đăng Dung chỉ làm cái việc xin “vâng lời” nhà Minh trả lại “ đất cũ của châu Khâm (vốn thuộc nhà Minh)” “nếu đúng như vậy”. Và đương nhiên, nếu không đúng như vậy, sẽ không có chuyện trả đất.

Nhà bác học Lê Quý Đôn viết: “Xem tập Thù vực chu tư lục (Nghiêm Tòng Giản nhà Minh biên soạn), thì về nghi lễ sai sứ thần đi sính vấn của đời trước, về gốc ngọn việc nhà nguỵ Mạc xin hàng, về sự khó khăn trong việc khi gây dựng cơ nghiệp trung hưng, về lòng thành khẩn tố cáo của di thần triều trước (ý nói đến việc nhà Lê sang tố cáo nhà Mạc, đề nghị nhà Minh đưa quân sang trừng phạt) và đại cương quan chế, binh chế nước ta, đều có thể biết rõ được” (Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Nxb. Văn hoá- thông tin, Hà Nội- 2007, tr. 196). Nghiêm Tòng Giản, quê ở Gia Hoà, làm quan Cấp sự trung Hình khoa, giữ chức Hành nhân đời Minh, là một thành viên trong phái đoàn của nhà Minh, chứng kiến lễ “đầu hàng” của nhà Mạc chép nguyên văn biểu xin hàng của Mạc Đăng Dung gửi Hoàng đế Đại Minh: “Còn việc quan thú Khâm Châu thuộc Quảng Đông tâu rằng bốn động Triết Lâm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liêu Cát là đất cũ của Khâm Châu, Quảng Đông. Nếu quả thực như lời ấy, thì đó là lỗi mạo nhận của họ Lê trước, nay thần xin giao trả lại” (Ngô Đăng Lợi: Việc nhà Mạc giao thiệp với nhà Minh qua cuốn sách cổ Thù vực chu tư lục của Nghiêm Tòng Giản đời Minh (trong Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, sđd, tr. 137-138) . Như vậy, cũng như trong Minh thực lục, khi dẫn lời Mạc Đăng Dung, sách Thù vực chu tư lục của Nghiêm Tòng Giản cũng đều cho chúng ta thấy việc nhà Minh đòi trả lại đất cũ (chứ không đòi dâng đất) và Mạc Đăng Dung đều khéo léo có câu “nếu đúng như vậy”, “Nếu quả thực như lời ấy”…

Đặc biệt, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng bằng nhiều tâm huyết nghiên cứu nghiêm túc của mình đã khẳng định, họ Mạc thi hành chiến lược “thần phục giả vờ, độc lập thực sự”. Giáo sư đã dẫn Minh sử rằng: “Họ Mạc nộp toàn đất khống (có địa danh mà không có thực) hoặc là đất nhà Minh từ trước rồi, mà tương kế tựu kế đem nộp. Các quan nhà Minh không hay cứ yên trí đem dâng đất về kinh sư. Khi đi kiểm tra để thu hồi mới hay sự thật là họ Mạc “nộp vờ”.

Từ thế kỷ XVIII, Nguyễn Văn Siêu (“Thần Siêu”) trong Phương Đình Dư địa chí cũng khẳng định: “Thế thì sáu động họ Mạc đem nộp vờ như đất Như Tích, Phật Đà ở Khâm Châu chỉ vì tên gọi thay đổi khác nhau mà thôi”.

Khi nói về việc dâng đất của Mạc Đăng Dung, các sử thần triều Nguyễn, dù vẫn có nhiều thành kiến với “ngụy Mạc” nhưng vẫn phải nhận xét như sau: “Về việc này, những điểm Sử cũ chép đó đều xa sự thực, nên nay rút bớt đi mà chép phụ vào đây để tham khảo” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb. Giáo dục Hà Nội - 2007, tr. 117).

Đọc sử cũ, hẳn chúng ta cũng không quên lời của Đô uý thái phó Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn, trước khi chết ông để lại Di chúc khuyên Mạc Kính Cung: "Nay nhà Mạc vận khí đã hết, họ Lê phục hưng đó là số trời vậy. Dân ta vô tội mà khiến phải nạn binh đao, ai nỡ lòng nào. Chúng ta nên lánh ra nước khác, nuôi dưỡng uy lực, chịu khuất đợi chờ khi nào mệnh trời trở lại mới làm được, chứ không hề lấy lực chọi với lực. Khi hai con hổ cùng tranh nhau, tất nhiên có một con bị thương, không có ích gì cho công việc. Nếu thấy quân của đối phương tới đây, chúng ta nên tránh đi cẩn thận, chớ có đánh nhau với họ, cốt phải phòng thủ cẩn thận làm chính, lại chớ nên mời người Minh vào nước ta để cho dân phải chịu lầm than, đó là cái tội không gì lớn hơn".
Chúng ta không thể chỉ hiểu đó là ý kiến của cá nhân Đô uý thái phó Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn, mà đó chính là một tư tưởng lớn, một chiến lược xuyên suốt của nhà Mạc được bắt đầu từ chính Thái tổ Mạc Đăng Dung và được con cháu thấm nhuần thành phương châm ứng xử trước vận mệnh quốc gia dân tộc. Nói như Phó giáo sư, tiến sỹ Hán Nôm Đinh Khắc Thuân rằng: “Lời trăng trối này của Mạc Ngọc Liễn cũng chính là ý nguyện của nhà Mạc nhằm tránh một cuộc chiến tranh với ngoại bang.”

Tóm lại, kế thừa chính sách ngoại giao truyền thống của các triều đại trước, với những phương pháp mềm dẻo và khôn khéo, nhà Mạc và Mạc Đăng Dung đã tránh cho đất nước thoát khỏi họa xâm lăng của nhà Minh. Nhờ vậy, nhà Mạc đã có điều kiện khôi phục tình hình chính trị - xã hội đất nước vốn đang rối ren, hỗn loạn, để lại nhiều đóng góp tiến bộ các mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội,… Thực sự góp phần tô đậm một phần trang sử vẻ vang của đất nước, của Thăng Long – Hà Nội.  Bởi thế việc thành phố Hà Nội quyết định đặt tên đường phố mang tên hai vị vua đầu triều Mạc “là một việc làm đúng đắn để nhằm giáo dục truyền thống ghi nhớ công lao của tiền nhân” (Công văn số: 66/VSH-QLKH ngày 29/5/2015 của Viện Sử học).