Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3

ANTĐ - Nâng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; trả lương chậm quá 15 ngày phải trả thêm tiền; vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3-2015.

Thay đổi mã vùng điện thoại cố định 

Theo Thông tư 22/2014/TT-BTTTT ban hành Quy hoạch kho số viễn thông, kể từ ngày 1-3, mã vùng điện thoại cố định các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thay đổi, cụ thể: TP Hà Nội đổi từ 4 thành 24; TP Hồ Chí Minh đổi từ 8 thành 28; TP Đà Nẵng đổi từ 511 thành 236; TP Hải Phòng đổi từ 31 thành 225; TP Cần Thơ đổi từ 710 thành 292; Thừa Thiên - Huế từ 54 thành 234; Quảng Ninh từ 33 thành 203; Thanh Hóa từ 37 thành 237; Khánh Hòa từ 58 thành 258; Lâm Đồng từ 63 thành 263; Cao Bằng từ 26 thành 206; Cà Mau từ 780 thành 290.

Trả lương chậm quá 15 ngày phải trả thêm tiền

Theo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động có hiệu lực từ 1-3, mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời gian làm việc bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền...

Nâng lương hưu, trợ cấp BHXH

Theo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc, từ ngày 1-1-2015 tăng thêm 8% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với một số đối tượng. Nghị định có hiệu lực từ 10-3.

Vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ 

Theo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện. Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Nghị định có hiệu lực từ 15-3.

Quy định bán doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước

Theo Nghị định về bán, chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trường hợp bán doanh nghiệp mà có từ 2 người đăng ký mua trở lên thì phải bán theo một trong hai phương thức đấu giá sau:

- Đấu giá kế thừa toàn bộ số lao động còn lại, áp dụng trong trường hợp đã giải quyết một phần số lao động theo quy định của pháp luật về lao động và chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

- Đấu giá không kế thừa lao động, áp dụng trong trường hợp đã giải quyết hết số lao động hoặc đã phê duyệt phương án giải quyết hết số lao động theo quy định của pháp luật về lao động và chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Trường hợp chỉ có 1 đơn đăng ký mua doanh nghiệp hợp lệ được chấp thuận, cơ quan có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp áp dụng phương thức bán thỏa thuận trực tiếp. Nghị định có hiệu lực từ 1-3.

Chế độ ưu tiên về hải quan đối với doanh nghiệp

Theo Nghị định số 08/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 15-3, các doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định thì sẽ được miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật; được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật về thuế.