Bà Nguyệt Hường bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội vì vi phạm Luật Quốc tịch

ANTĐ - Trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ tối 17-7, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết, lý do Hội đồng Bầu cử quốc gia không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là do bà Hường đã vi phạm luật pháp Việt Nam.

Trước đó, như Báo ANTĐ đã đưa tin, chiều nay, 17-7, Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp đột xuất phiên thứ tám để biểu quyết xác nhận tư cách người trúng cử ĐBQH khóa XIV đối với 494 đại biểu.

Tại phiên họp này, 100% các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia bỏ phiếu không xác nhận tư cách ĐBQH khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ĐBQH khóa XIII, hiện là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam (VID Group). 

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận việc bãi tư cách ĐBQH khóa XIV với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là do vi phạm Luật Quốc tịch

Trong thông cáo phiên họp của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ nêu lý do không xác nhận tư cách ĐBQH đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là vì không đủ tiêu chuẩn ĐBQH khóa XIV và cá nhân bà đã có đơn xin rút không tham gia ĐBQH khóa XIV. Vậy đâu là lý do thực sự khiến Hội đồng bầu cử quốc gia phải họp đột xuất để biểu quyết không xác nhận tư cách ĐBQH với bà Nguyệt Hường?

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là ĐBQH khóa XIII thuộc đoàn Hà Nội

Tối 17-7, trả lời Báo ANTĐ, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, lý do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được công nhận tư cách ĐBQH khóa XIV là bởi đã vi phạm Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam.

“Theo điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam, mỗi công dân chỉ được quyền có 1 quốc tịch. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường hiện vẫn chưa thôi quốc tịch Việt Nam nhưng lại đăng ký thêm một quốc tịch khác là quốc tịch Malta. Như vậy, hiện bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có đến 2 quốc tịch, vi phạm pháp luật Việt Nam” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Theo ông Phúc, việc này cơ quan chức năng mới phát hiện ra gần đây nên Hội đồng bầu cử quốc gia mới phải tổ chức phiên họp đột xuất để xem xét. Bà Nguyệt Hường đã có đơn xin rút tư cách ĐBQH khóa XIV, trong đơn bà Hường đã thấy hành vi vi phạm và thấy không đủ tiêu chuẩn làm ĐBQH. Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho rằng, do vi phạm của bà Nguyệt Hường là rõ ràng nên dù không có đơn xin rút thì vẫn không được công nhận tư cách ĐBQH khóa XIV.

Theo Wikipedia, Cộng hòa Malta là một đảo quốc nhỏ gồm 7 hòn đảo giữa Địa Trung Hải, cách đảo Sicilia của Ý 93 km về phía nam, cách Tunisia 288 km về phía bắc, vịnh Gibralta 1.826 km về phía đông và Alexandria 1.510 km về phía tây. Ngôn ngữ chính thức làtiếng Malta và tiếng Anh.

Chỉ rộng 300 km2, Malta là một trong những quốc gia nhỏ và có mật độ dân số cao bậc nhất thế giới. Đất nước này là một điểm du lịch quốc tế với nhiều khu giải trí và di tích lịch sử, bao gồm 9 di sản thế giới được UNESCO công nhận mà nổi bật nhất là các đền Megalithic là kiến trúc đứng riêng lẻ cổ nhất thế giới.

Năm 2004, Malta gia nhập Liên minh châu Âu - EU. Malta cũng là thành viên của Liên hiệp quốc. Kinh tế Malta được đánh giá là khá đa dạng và thịnh vượng. Vốn đầu tư nước ngoài vào Malta gia tăng đáng kể từ năm 1987 vào các ngành hàng hải, hàng không, tài chính và văn hóa. Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của nước này.

Nguyên tắc quốc tịch

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

(Điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam)