Ai sẽ phát hiện tham nhũng?

ANTĐ - Cho ý kiến về báo cáo nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 24-2, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu ý kiến rằng ở các nước khác thì 80%-90% số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, song ở ta thì ngược lại, hầu hết là do nhân dân, báo chí phản ánh, hoặc chỉ bị lộ khi nội bộ có mâu thuẫn…; còn qua thanh tra kiểm toán rất hạn chế. 

Nhận xét của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp không mới, nhưng vẫn “nóng”, không chỉ đối với ngành Kiểm toán mà còn với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở nước ta nói chung. 

Thanh tra và Kiểm toán Nhà nước là hai cơ quan có trách nhiệm chính trong việc trực tiếp phát hiện tham nhũng. Trong những năm qua, hai cơ quan này cũng đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện những vụ việc tham nhũng lớn để chuyển các cơ quan điều tra.

Tuy nhiên vẫn phải khẳng định một nghịch lý là dù cơ quan PCTN tầng tầng lớp lớp, từ Trung ương tới địa phương, tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán, nhiều khi dẫm chân lên nhau khiến doanh nghiệp, địa phương “phát hãi” vì phải đón hết đoàn thanh tra nọ lại đến đoàn kiểm toán kia, nhưng phần lớn tham nhũng vẫn… do người dân, báo chí phát hiện (?) Thế nên mới có chuyện báo cáo thì “rất ổn”, “rất sạch” nhưng một thực tế mà không ai có thể phủ nhận, đó là tham nhũng ở nước ta đang “hết sức nghiêm trọng”. Các bảng thống kê xếp hạng tham nhũng quốc tế, Việt Nam vẫn thường xuyên ở những vị trí hàng đầu. 

Câu trả lời cho vấn đề này cũng được phân tích nhiều lần: Là do thẩm quyền của cơ quan thanh, kiểm tra còn hạn chế; năng lực của cán bộ còn chưa đáp ứng; nhiều quy định pháp luật còn vướng mắc; nhiều kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán còn bị bỏ ngỏ… Thế nhưng, thậm chí cũng không loại trừ khả năng tiêu cực trong chính quá trình thanh, kiểm tra. Theo người đứng đầu các cơ quan thanh tra, kiểm toán thì để xử lý những cán bộ có tiêu cực thì phải có chứng cứ chứ không thể nghe dư luận được. 

Thế nên nếu không vì mâu thuẫn nội bộ thì đa phần cứ “bắt tay nhau mà tham nhũng”. Đã đến lúc không thể trông cậy mãi vào nhân dân, báo chí. Nâng cao năng lực phát hiện tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ PCTN là yêu cầu cấp bách đang đặt ra. Ai sẽ phát hiện tham nhũng nếu như các cơ quan có chức năng PCTN không phát hiện ra?