18.539 phạm nhân được đặc xá: Chặt chẽ, công khai, dân chủ

ANTĐ - Hôm qua 28-8, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đã tổ chức họp báo công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho những phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có điều kiện được đặc xá theo quy định pháp luật. 
18.539 phạm nhân được đặc xá: Chặt chẽ, công khai, dân chủ ảnh 1

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời báo chí về công tác đặc xá

Ông Giang Sơn - Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước; Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Sơn – Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và ông Hà Kim Ngọc – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đồng chủ trì buổi họp báo.

Chặt chẽ, công khai, dân chủ

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Quyết định đặc xá năm 2015. Theo đó, 18.298 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, 225 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù và 16 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2015. 

Đặc xá là một trong những chế định pháp luật được quy định tại Điều 88 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đã được thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2007 cũng như các văn bản pháp luật có liên quan. Trong những năm qua, xuất phát từ bản chất nhân đạo, Đảng và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã mở nhiều đợt đặc xá tha tù cho những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt trở về với cộng đồng và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có điều kiện theo quy định của pháp luật.

Đặc xá nhân dịp 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 một lần nữa khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người trót lầm lỡ, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, đặc xá cũng là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân; là kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam, gia đình, cơ quan hữu quan và toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước. Cũng như các lần đặc xá trước, quá trình xét, quyết định đặc xá được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng, chính xác và đảm bảo dân chủ. 

Là cơ quan thường trực của Hội đồng tư vấn đặc xá, Bộ Công an đã tổ chức tập huấn về công tác đặc xá từ trung ương đến địa phương. Các ngành, các cấp và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đều có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể. Quá trình xét đặc xá, các đoàn công tác do Chủ tịch Hội đồng và các ủy viên Hội đồng tư vấn đặc xá làm Trưởng đoàn đã đến các trại giam, trại tạm giam kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo để việc xét đặc xá được thực hiện đúng quy định pháp luật.

Giúp người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng

Với chủ trương tạo điều kiện để những phạm nhân được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các biện pháp, chính sách để những phạm nhân được đặc xá tha tù được sớm trở về nơi cư trú, hòa nhập cộng đồng. Các trại giam, trại tạm giam cũng tổ chức cho các phạm nhân được học nghề, nâng cao kiến thức xã hội. Trong khi các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể không phân biệt đối xử với những người được tha tù, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vốn để kinh doanh, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo…

Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, với trách nhiệm của cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá, vừa có chức năng phòng chống tội phạm vừa tiến hành thi hành án hình sự, cơ quan công an đặc biệt quan tâm đến công tác tái hòa nhập và phòng ngừa tái phạm.

Với sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, chính quyền địa phương, trong 10 năm qua, 82,26% số người đặc xá đã được bố trí công ăn việc làm từ lao động đơn giản đến nghề nghiệp ổn định, có thu nhập trung bình từ 3-5 triệu đồng/tháng. Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, tỷ lệ tái phạm cũng ngày càng giảm. Nếu như giai đoạn 2002-2012 có 3,02% người được đặc xá tái phạm thì tỷ lệ này trong những năm gần đây chỉ còn dưới 1%.

Hai anh em ông Đoàn Văn Vươn được đặc xá

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, phạm nhân Đoàn Văn Vươn và em trai là Đoàn Văn Quý phạm tội hình sự năm 2013, đang thi hành án tại trại giam Hoàng Tiến, Hải Dương. Đối chiếu với quy định pháp luật, hai phạm nhân này có đủ điều kiện và nằm trong danh sách đặc xá năm 2015.

18.298 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù được đặc xá đợt này gồm 16.092 phạm nhân nam và 2.026 nữ. Trong đó,  34 phạm nhân mang 7 quốc tịch nước ngoài. Phạm nhân nhiều tuổi nhất được đặc xá là Nguyễn Văn Bạch (85 tuổi). Phạm nhân chấp hành án lâu nhất là Đặng Ngọc Thu (39 tuổi), phạm tội giết người, sau 3 lần được giảm án từ chung thân xuống phạt tù có thời hạn, đến nay đã thi hành án 18 năm, 2 tháng 27 ngày.

Quyết tâm  thành người lương thiện
Những phạm nhân mà chúng tôi tiếp xúc ở Trại tạm giam số 2 - CATP Hà Nội, dù là người may mắn được xét đặc xá hay chưa, nhưng đều cùng chung những suy nghĩ hướng thiện, mong ngày trở về với cộng đồng.

“Không bao giờ lặp lại lỗi lầm”
18.539 phạm nhân được đặc xá: Chặt chẽ, công khai, dân chủ ảnh 2Tốt nghiệp đại học, từng có công việc ổn định, có một mái ấm, nhưng tôi đã đánh mất tất cả, do vi phạm pháp luật. Cảm giác từ những ngày bị bắt cho đến bây giờ khác nhau nhiều lắm, từ bi quan, chán sống và giờ là khao khát được trở về, làm lại cuộc đời. Tôi may mắn có tên trong danh sách được xét đặc xá dịp 2-9 này. Đó là kết quả quá trình cố gắng, lao động, học tập, đặc biệt là sự thay đổi, được định hướng cho tư duy hướng thiện. Công ơn ấy, tôi luôn ghi nhớ đến Ban Giám thị, các chú, các anh quản giáo và những người đồng cảnh trong thời gian qua. Chặng đường phía trước chắc chắn sẽ nhiều khó khăn, nhưng tôi quyết tâm sẽ vượt qua, không bao giờ lặp lại lỗi lầm đã phải trả bằng bài học đắt giá.
(Phạm nhân Nguyễn Đức Diệp, 33 tuổi, quê quán Ân Thi, Hưng Yên)
“Sẽ phải trở thành công dân tốt”
18.539 phạm nhân được đặc xá: Chặt chẽ, công khai, dân chủ ảnh 3Phút bốc đồng cách đây hơn 2 năm đã khiến em phải trả giá bằng mức án 48 tháng tù giam về tội danh cố ý gây thương tích. Em đã gieo cho gia đình nỗi buồn, sự xấu hổ, và với bản thân, thời gian đầu chấp hành án là cả sự sợ hãi, tuyệt vọng. Nhưng những cảm giác bi quan đã trôi qua rất nhanh, trong môi trường cải tạo được học nghề, lao động, nhất là tình cảm, sự quan tâm của các thầy quản giáo. Các thầy đã trò chuyện, khuyên nhủ, giúp em nhận thức lỗi lầm của mình và quan trọng hơn, là những gợi mở cơ hội cho “ngày về”. Có tên trong danh sách được đặc xá – phần thưởng vô giá đối với mỗi phạm nhân – em tự nhủ sẽ phải trở thành công dân tốt.
(Phạm nhân Lê Văn Chỉnh, 25 tuổi, trú ở Hồng Thái, Phú Xuyên, Hà Nội)

“Cơ hội đến với những người biết sửa sai”
18.539 phạm nhân được đặc xá: Chặt chẽ, công khai, dân chủ ảnh 4Dù chưa đủ điều kiện để xét đặc xá, giảm án tha tù lần này, nhưng tôi và những phạm nhân khác đều tin rằng cơ hội sớm trở về cộng đồng, làm lại cuộc đời luôn được chia đều cho những ai biết sửa sai, cố gắng lao động, cải tạo. Đặc xá hay giảm án là phần thưởng đánh giá cả quá trình lao động, học tập của mỗi phạm nhân trong trại. Hàng tuần, chúng tôi đều được Ban giám thị cho tổ chức bình bầu, nhận xét kết quả của từng phạm nhân. Những điểm cộng hàng ngày, hàng tuần đều được tính để làm căn cứ xét giảm án, tha tù hay đặc xá. Việc công khai, công tâm của Ban giám thị chính là động lực để chúng tôi yên tâm phấn đấu, cải tạo.
(Phạm nhân Vũ Khắc Huấn, 58 tuổi, trú ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội)