World Cup 2018: Ơn giời, có VAR ở đây rồi!

ANTD.VN - Lần đầu tiên được đưa vào sử dụng tại World Cup, công nghệ hỗ trợ trọng tài VAR đã cho thấy những ưu điểm tuyệt đối, giúp các trọng tài chính xác hơn trong nhiều tình huống và đẩy lùi mọi tranh cãi.

VAR là gì?

Sau Goal-line, VAR được đánh giá là công nghệ hỗ trợ trọng tài ưu việt nhất, giúp các Vua sân cỏ xử lý tình huống trận đấu chính xác hơn, công tâm hơn.

Trọng tài sử dụng VAR tại World Cup 2018

VAR là viết tắt của Video Assistant Referee (tạm dịch: Công nghệ hình ảnh hỗ trợ trọng tài). Đúng với tên gọi của nó, VAR sử dụng nhiều góc camera khác nhau trên sân, bao gồm cả các máy quay làm chậm, nhằm đánh giá chính xác một tình huống để hỗ trợ trọng tài điều khiển chuẩn xác hơn.

VAR hoạt động như thế nào?

Tại World Cup 2018, FIFA chỉ định tới 13 trọng tài có kinh nghiệm để điều hành VAR, trong một phòng riêng ở mỗi SVĐ. Phòng này thu thập, xử lý hình ảnh từ 33 camera khác nhau, trong đó có 8 camera quay chậm, 6 camera siêu chậm và 2 camera chuyên để bắt việt vị trong mỗi trận đấu.

Một phòng VAR tại World Cup 2018

Từ đó, các trọng tài phòng VAR đưa ra những gợi ý cho các trọng tài chính qua một màn hình được đặt ngay trên sân, nơi họ có thể tiện di chuyển đến và theo dõi lại.

FIFA nhấn mạnh VAR không đưa ra quyết định mà chỉ hỗ trợ các trọng tài. Không ai khác, chỉ các trọng tài mới có đủ thẩm quyền để đưa ra phán quyết cuối cùng.

Có phải mọi trường hợp trên sân đều cần tới VAR?

Câu trả lời là không. FIFA chỉ cho phép 4 trường hợp thường gây nhiều tranh cãi được áp dụng công nghệ này:

1. Bàn thắng và tình huống dẫn đến bàn thắng.

2. Phạt đền và tình huống dẫn đến phạt đền.

3. Tình huống dẫn đến thẻ đỏ. Đây là một trong những trường hợp gây tranh cãi nhiều nhất.

4. Nhầm lẫn cầu thủ trên sân. Đây là những tình huống lộn xộn trên sân mà các trọng tài đôi khi không xác định được đúng cầu thủ.

VAR cho thấy sự ưu việt ở World Cup 2018 như thế nào?

Ở hai trận Pháp gặp Australia và Peru gặp Đan Mạch vào hôm qua (16-6), VAR đã thực sự đã cho thấy nó là trợ lý tuyệt vời của các trọng tài.

Tình huống Griezmann bị phạm lỗi

Phút 54 trận đấu giữa Pháp và Australia trong khuôn khổ bảng C, Antoine Griezmann có pha va chạm với hậu vệ Josh Risdon trước khi ngã trong vòng cấm của đại diện châu Á.

Trọng tài chính Andres Cunha xua tay không công nhận là có lỗi, nhưng vấp phải sự phản ứng dữ đội từ đội bóng áo Lam.

Trọng tài Cunha nhận hỗ trợ từ VAR...

Điều này khiến ông Cunha phải di chuyển tới màn hình VAR để xem lại đoạn video từ nhiều góc độ khác nhau của tình huống. Sau đó, ông thay đổi quyết định của mình, công nhận nó là một pha phạm lỗi và cho các cầu thủ Pháp được hưởng 11m. 

... và cho Pháp được hưởng penalty

Trên chấm phạt đền, Griezmann không mắc sai lầm nào, ghi bàn góp phần giúp Pháp thắng chung cuộc 2-1 đầy nhọc nhằn. Đây là chiến thắng đầu tiên tại đấu trường World Cup có dấu ấn của VAR.

Ở trận đấu diễn ra sau đó giữa Peru và Đan Mạch, VAR tiếp tục cho thấy giá trị. Đó là tình huống ở phút 45, một cầu thủ Đan Mạch phạm lỗi với Christian Cueva trong vòng cấm. Nhờ tham khảo VAR, trọng tài cho Peru hưởng quả đá 11m.

ĐT Peru bỏ lỡ 11m dù được VAR hỗ trợ

Chỉ có điều, Cueva đã bỏ lỡ cơ hội bằng vàng ghi bàn thắng đầu tiên cho Peru sau 36 năm trở lại đấu trường World Cup, khi sút bóng lên trời. Peru chung cuộc cũng thua 0-1 đầy tiếc nuối.

Rõ ràng, dù đâu đó vẫn có những ý kiến phản đối, cho rằng VAR khiến bóng đá kém hấp dẫn đi, nhưng không thể phủ nhận vai trò của nó tại World Cup lần này. VAR đang khiến cho các trận đấu minh bạch hơn, chân thật hơn, công tâm hơn. Và những tranh cãi dai dẳng cũng sẽ dần được đẩy lùi.