Vì sao VFF bắt Tấn Tài trả phí chữa chấn thương cho Văn Hào?

ANTD.VN - Việc Ban Kỷ luật VFF yêu cầu Huỳnh Tấn Tài (Long An) phải trả chi phí chữa trị chấn thương cho "nạn nhân" Dương Văn Hào (Viettel) tạo ra nhiều tranh luận.

Huỳnh Tấn Tài là người có pha vào bóng khiến đồng nghiệp Dương Văn Hào bị chấn thương nặng ở cổ chân trong trận đấu giải hạng Nhất hôm 4-5. Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sau đó đã ra quyết định phạt Tấn Tài 25 triệu đồng, cấm thi đấu 5 trận kèm theo điều khoản yêu cầu tiền vệ này "phải chịu các chi phí hợp lý cho việc chữa trị chấn thương cho cầu thủ Văn Hào".

Điều khoản kèm theo này tạo ra tranh luận rằng Văn Hào thuộc diện được hưởng bảo hiểm từ ban tổ chức, vậy thì bắt Tấn Tài phải trả chi phí chữa chấn thương liệu có phi lý?

Tấn Tài tới thăm Văn Hào tại bệnh viện, sau pha va chạm khiến đồng nghiệp chấn thương cổ chân phải mất khoảng 1 năm để hồi phục

Theo tìm hiểu, án phạt của Ban Kỷ luật đưa ra dựa trên Quy định về kỷ luật của VFF, trong đó quy định người gây ra chấn thương phải chi trả phí chữa trị cho người bị chấn thương.

Ban đầu, quy định này yêu cầu người gây chấn thương phải trả toàn bộ chi phí nhưng sau vụ Quế Ngọc Hải (SLNA) đạp gãy chân Trần Anh Khoa (Đà Nẵng) tại V-League 2015 cho thấy bất cập nên VFF đã sửa luật, giới hạn mức phải chi trả "không vượt quá 15 tháng lương của người vi phạm theo hợp đồng lao động ký với CLB chủ quản tại thời điểm vi phạm".

Đối chiếu với vụ việc của Tấn Tài, theo án phạt của Ban Kỷ luật VFF thì tiền vệ này phải trả tối đa 180 triệu đồng (tương đương 15 tháng lương tại CLB Long An). Tuy nhiên theo hợp đồng ký giữa Ban tổ chức V-League và Công ty bảo hiểm PTI, Văn Hào sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 350 triệu đồng. Do vậy gần như chắc chắn cầu thủ của Viettel sẽ lựa chọn phương thức chi trả bằng bảo hiểm, thay vì nhận tiền từ đồng nghiệp.

Vậy tại sao Ban Kỷ luật VFF vẫn yêu cầu Tấn Tài phải trả phí chữa trị cho Văn Hào?

"Việc cầu thủ được hưởng bảo hiểm mới chỉ xuất hiện vài mùa giải qua và hợp đồng giữa ban tổ chức với đối tác bảo hiểm cũng chỉ ngắn hạn 1-2 năm. Giả sử mùa tới ban tổ chức thôi không ký hợp đồng bảo hiểm thì ai sẽ trả tiền chữa trị cho cầu thủ bị chấn thương? Thêm nữa, mức cao nhất bảo hiểm chi trả là 350 triệu đồng.

Nếu chấn thương của Văn Hào vượt con số này thì không lẽ bắt cậu ấy hay CLB chủ quản tự lo?, một thành viên Ban Kỷ luật lý giải việc áp điều khoản Tấn Tài chịu phí chữa trị chấn thương cho Văn Hào là cần thiết, giúp Văn Hào - cũng như các nạn nhân khác nếu xảy ra vụ việc tương tự - không bị thiệt thòi.

Sau vụ Quế Ngọc Hải - Trần Anh Khoa năm 2015, VFF đã phải sửa lại quy định "người vi phạm trả phí chữa chấn thương" nhưng hiện vẫn bộc lộ bất cập

Tuy nhiên bất cập nằm ở việc VFF quy định "cầu thủ vi phạm phải chịu chi phí hợp lý cho việc chữa chấn thương". Khái niệm "chi phí hợp lý" là khá mơ hồ, dễ dẫn đến tranh cãi giữa các bên, thậm chí là kẽ hở để người vi phạm trốn tránh trách nhiệm. Khi đó các quyết định kỷ luật mất tính răn đe người vi phạm, đồng thời khiến nạn nhân chịu thiệt thòi.

Theo thỏa thuận "đối quảng cáo lấy bảo hiểm" giữa công ty VPF và công ty bảo hiểm PTI, 720 cầu thủ thi đấu tại các giải chuyên nghiệp 2018 do VPF tổ chức được hưởng bảo hiểm tối đa 350 triệu đồng/người.

Thực tế ở Việt Nam, cầu thủ thường không chủ động mua bảo hiểm mà ỷ lại CLB chủ quản, hoặc trông chờ vào ban tổ chức giải. Vì vậy khi xảy ra va chạm dẫn đến chấn thương nghiêm trọng đều chịu sự lệ thuộc nhất định.

Hiện nay, đa số các vụ va chạm dẫn đến chấn thương nghiêm trọng tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đều giải quyết theo thỏa thuận dân sự giữa hai cầu thủ hoặc hai CLB. Cách giải quyết này tiềm ẩn rủi ro nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung, khiến vụ việc phức tạp hơn.

Ở trường hợp của Quế Ngọc Hải, do chi phí chữa chấn thương của Anh Khoa quá lớn (hơn 800 triệu đồng), vượt quá khả năng chi trả của cầu thủ này cũng như CLB chủ quản. Sự việc chỉ kết thúc êm đẹp sau khi Hội CĐV Nghệ An đứng ra hỗ trợ một nửa số tiền, nửa còn lại do bầu Đức hào phóng chi trả.