VĐV đua thuyền 15 tuổi tử nạn ở Hải Dương: Lời thỉnh cầu của gia đình nạn nhân

ANTD.VN - Không khí tang thương ngập tràn thôn Dôi, xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc (Hải Dương), nơi có căn nhà nhỏ của gia đình em Phạm Gia Phái, VĐV 15 tuổi không may tử nạn trong lúc luyện tập trên hồ Bạch Đằng. 

Người thân trong gia đình Phạm Gia Phái như đã khóc hết nước mắt khi phải chứng kiến đứa con, đứa cháu ngoan vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Ông Phạm Gia Phong, bố của VĐV có số phận không may mắn lặng lẽ ngồi bên di ảnh của con trai. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, như một cơn lũ quét hung dữ đổ xuống gia đình khiến anh mất đi người con trai thứ (Phái có một anh trai, một em gái), vốn ngoan ngoãn và được bạn bè, hàng xóm vô cùng yêu quý.

VĐV đua thuyền 15 tuổi tử nạn ở Hải Dương: Lời thỉnh cầu của gia đình nạn nhân ảnh 1Hoạt động tập luyện của đội đua thuyền trẻ Hải Dương tạm ngưng sau sự cố dẫn đến cái chết của VĐV Phạm Gia Phái

“Con chúng tôi đâu có thạo bơi”

Ông Phong kể lại, khoảnh khắc nghe tin báo về, ông như không tin vào tai mình. Ngay cả khi lên thành phố Hải Dương để làm thủ tục nhận thi hài con, ông vẫn cầu mong đó chỉ là một cơn ác mộng. Nhưng đến nơi, ông Phong và các thành viên trong gia đình không còn cách nào khác phải chấp nhận sự mất mát to lớn này.

Gạt nước mắt, ông Phong chia sẻ: “Tháng 11 năm ngoái, con trai tôi được tuyển vào Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao dưới nước Hải Dương. Nó rất thích môn chèo thuyền, nên gia đình cũng đồng ý. Nhà tôi làm nghề nông, nên thấy cháu được đánh giá là có năng khiếu thể thao, chúng tôi cũng đỡ lo phần nào. Nhưng không ngờ, mọi chuyện lại ra nông nỗi này”.

Theo kết luận ban đầu, VĐV Phạm Gia Phái qua đời do đuối nước. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy hai phổi bị phù nề nặng. Thông thường, các VĐV tham gia các môn thể thao dưới nước phải được trang bị các kỹ năng bơi lội và thoát nạn cần thiết. Nhưng dường như trường hợp của VĐV 15 tuổi này lại là một ngoại lệ. Cả Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao dưới và Sở VH-TT&DL tỉnh Hải Dương đều khẳng định các VĐV của mình được dạy bơi đầy đủ, nhưng gia đình của Phạm Gia Phái lại cho rằng con của họ không hề biết bơi. 

“Tôi nghĩ con của tôi không biết bơi, vì từ khi cháu vào Trung tâm, mỗi khi về nhà tôi không thấy nói đến việc đã biết bơi thành thạo. Tất nhiên, có thể Trung tâm cũng dạy và mỗi VĐV lại có tiếp thu khác nhau, nhưng rõ ràng là nếu con tôi bơi tốt với kiến thức đầy đủ, có thể đã không xảy ra chuyện”, ông Phong nói. Cha của Phạm Gia Phái còn thông tin thêm, từ nhỏ, thị lực của em đã rất kém, nhưng không hiểu sao khi được tuyển vào Trung tâm, mọi thứ lại được đánh giá là “tốt”.

VĐV đua thuyền 15 tuổi tử nạn ở Hải Dương: Lời thỉnh cầu của gia đình nạn nhân ảnh 2Không khí u buồn tại nhà VĐV xấu số Phạm Gia Phái

Không có cứu hộ, cũng không được mua bảo hiểm

Trong khi đó, bà Tú Anh - một người họ hàng của gia đình ông Phong, lại đặt câu hỏi về công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống cấp bách của thể thao Hải Dương. “Khi cháu tôi gặp sự cố và giơ tay lên cầu cứu theo lời cô giáo của cháu kể lại, cô giáo khi ấy ở cách xa cháu khoảng 40m.

Tôi không hiểu vì sao trong thời khắc ấy, không có bất cứ ai nhảy xuống hồ và có hành động cứu cháu tôi. Một vấn đề nữa, cháu chưa phải VĐV chuyên nghiệp và khi xuống hồ tập luyện, cháu không hề được trang bị áo phao. Tôi được biết, trong thi đấu, VĐV thường không mặc áo phao vì nó cản trở đến thành tích, nhưng một VĐV trẻ, lại đang tập luyện mà không được trang bị áo phao, đó là một điều rất đáng trách với những nhà quản lý”, bà Tú Anh nói. 

Theo thừa nhận của ông Nguyễn Đức Việt - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hải Dương, thời điểm Gia Phái gặp nạn, ngoài cô giáo đứng trên bờ, thì trên hồ còn có 3 VĐV và 2 người… gom rác mặt hồ, tức là không có bất cứ ai chuyên trách cứu hộ cứu nạn!

Nhiều năm qua, mua bảo hiểm cho VĐV luôn là vấn đề nhức nhối, chưa bao giờ hết tính thời sự của thể thao Việt Nam. Chỉ có một số VĐV được ký hợp đồng chính thức mới được mua bảo hiểm, trong khi đa phần các VĐV trẻ, vốn bỏ công sức tập luyện chẳng thua kém là bao, lại không nhận được chế độ này.

Bà Tú Anh một lần nữa đau xót nói về trường hợp người cháu của mình: “Tôi mua cái vé tàu, vé xe thôi, trong đó đã có tiền bảo hiểm cho tôi rồi. Còn trường hợp của cháu tôi, nó là một VĐV trẻ được đánh giá cao, cũng có tương lai tươi sáng và cháu cũng chuyên tâm luyện tập để cống hiến. Vậy mà khi cháu gặp tai nạn và qua đời, gia đình không nhận được bất cứ khoản đền bù bảo hiểm nào cả. Trách nhiệm của họ ở đâu?”.

Khi chia tay, câu nói của bà Tú Anh đã ám ảnh chúng tôi suốt chặng đường trở về: “Cháu tôi mất thì cũng mất rồi, gia đình cũng chẳng muốn làm to chuyện để cháu có thể ra đi thanh thản. Nhưng mong rằng sau chuyện đau buồn này, những nhà quản lý thể thao Hải Dương nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung hãy quan tâm hơn nữa đến những VĐV, nhất là VĐV trẻ. Xin đừng hời hợt và cho có, để họ không bao giờ phải gặp những chuyện tương tự và cũng để họ an tâm hơn mà cống hiến”.

VĐV đua thuyền 15 tuổi tử nạn ở Hải Dương: Lời thỉnh cầu của gia đình nạn nhân ảnh 3Khu vực VĐV 15 tuổi Phạm Gia Phái tử nạn

Vào khoảng 15h ngày 23-3, khi tập luyện trên hồ Bạch Đằng (thành phố Hải Dương), VĐV 15 tuổi Phạm Gia Phái của Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao dưới nước Hải Dương bị lật thuyền dẫn tới tử vong. Trước đó, Phái xin HLV cho ngừng tập vì lý do sức khỏe và trong lúc chèo thuyền về thì gặp tai nạn thương tâm. Ngay khi phát hiện ra sự cố, xuồng cứu hộ và xuồng Công ty Môi trường của hồ Bạch Đằng đã tham gia cứu nạn nhưng không kịp và phải mất một khoảng thời gian mới vớt được nạn nhân đưa lên bờ. Phạm Gia Phái sinh năm 2002, mới được tuyển chọn vào Trung tâm từ tháng 11-2016 và đang trong quá trình tập luyện để hoàn thiện các động tác kỹ thuật. 

“Cháu Phái hứa về, rồi nó đi mãi…”

Bà Đoàn Thị Vòng - bà nội của Phái, ngồi bần thần bên góc hiên nhà, nhìn về phía cánh đồng, nơi gia đình vừa tiến hành chôn cất đứa cháu đoản mệnh. “Chủ nhật tuần trước Phái nó về chơi, hai bà cháu rất quấn quýt. Nó hứa chủ nhật tuần này sẽ về để thắp hương ngày giỗ ông nội, thế rồi nó đi mãi”, bà Vòng kể trong nước mắt. Theo lời kể của bà Vòng, Phái là đứa cháu ngoan, dù còn ít tuổi nhưng đã biết tự lập, thương bố mẹ: “Ngày mới đi học, bố cháu phải xuống dưới Hải Dương đón về chơi mỗi dịp cuối tuần. Nhưng sau đó cháu chủ động đi xe buýt về nhà để bố mẹ yên tâm lo việc đồng áng. Lần trước về Phái khoe một tháng được 400 nghìn tiền ăn sáng, thế nhưng cháu nói không dám ăn hết mà dành dụm… Giờ thì nó đi mãi rồi”.