Tuyển thủ quốc gia không dám tập nặng vì... ăn đói

ANTD.VN - Chuyện VĐV nhiều đội tuyển trẻ quốc gia không dám tập nặng vì ăn không đủ dinh dưỡng, khiến người ngoài nhìn vào không khỏi xót xa và lãnh đạo ngành thể thao cũng đang tích cực đề xuất thay đổi thực trạng này.

"Bữa cơm phải nhìn nhau mà gắp"

Đội tuyển trẻ cử tạ quốc gia đang tập luyện và được quy hoạch là những gương mặt nòng cốt cho mục tiêu Olympic 2020 và 2024. Nhưng thật khó tin, VĐV ở đây không có tiền dinh dưỡng, không tập huấn quốc tế. Xót xa hơn, tiền ăn đôi khi không đủ.

HLV Nguyễn Thị Tuyết cho biết chế độ tiền ăn 150.000 đồng/người/ngày không thể đủ cho VĐV cử tạ. Vì vậy, nhiều khi ban huấn luyện phải giảm khối lượng tập xuống, dẫn đến ảnh hưởng kế hoạch huấn luyện. Còn lực sỹ trẻ Đinh Hồng Nhung chia sẻ: "Mức tiền ăn hiện tại có thể tạm đủ với VĐV hạng cân nhẹ nhưng với các VĐV hạng cân cao hơn thì không đủ nên đôi khi trong bữa cơm, anh chị em VĐV phải nhìn nhau mà gắp".

Một bàn ăn dành cho 6 VĐV trong quá trình chuẩn bị SEA Games 29, vốn đã tăng hơn ngày thường và hơn rất nhiều so với suất ăn của VĐV tuyển trẻ

Một bất cập khác là vấn đề tập huấn. VĐV ở các đơn vị có tài chính khấm khá như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng thì một năm có cơ hội tập huấn quốc tế 1-2 lần, còn ở những địa phương "nghèo" gần như quanh năm suốt tháng phải tập chay trong nước.

Trưởng bộ môn cử tạ Việt Nam Đỗ Đình Kháng thừa nhận: "Mỗi năm, bộ môn cử tạ được Tổng cục TDTT cấp gần 100.000 USD cho tất cả các hoạt động, từ tập huấn, thi đấu quốc tế đến mua sắm thiết bị, dinh dưỡng..." Chi phí này dành cho ĐTQG còn thiếu, lấy đâu kinh phí đầu tư cho tuyến trẻ. "Trong khi chờ đợi các chính sách mới của Tổng cục, bộ môn cũng đành chịu, chưa có giải pháp nào tốt hơn", ông Kháng nói.

Nhà vô địch Olympic cũng... ăn không đủ chất

Với tuyển trẻ là vậy, còn các ĐTQG cũng không khá hơn. Trước thềm SEA Games 29, nhân buổi đến thăm của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, lãnh đội Nguyễn Thị Nhung của đội tuyển bắn súng quốc gia chia sẻ thực trạng VĐV ăn không đủ dinh dưỡng và đề đạt nguyện vọng tăng tiền ăn cho VĐV tới người đầu ngành thể thao.

Một bộ môn ít vận động cơ bắp như bắn súng, lại đang được đầu tư mạnh mẽ sau chiến tích HCV Olympic còn phải ăn không đủ chất, thì đủ thấy vấn đề này bất cập như thế nào với các đội tuyển còn lại.

Lãnh đội bắn súng Nguyễn Thị Nhung chia sẻ nguyện vọng với Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, mong sớm tăng tiền ăn, tiền công cho VĐV

Cùng với tiền ăn, từ bộ môn tới VĐV rất "tâm tư" về tiền công. Cách đây 2-3 năm, Trưởng bộ môn bóng bàn khi đó là ông Nguyễn Đức Long từng không ít lần "vò đầu bứt tai" vì không tìm được HLV nội chấp nhận tập trung cùng ĐTQG, do chế độ dành cho họ khi lên tuyển thấp hơn... chế độ ở địa phương, mà nhận nhiệm vụ ở đội tuyển rồi thì HLV không được nhận chế độ ở địa phương nữa.

Hay mới đây, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I (Hà Nội) lùm xùm chuyện HLV, VĐV kêu than không được chấm công ngày cuối tuần và ngày lễ, dù thực tế họ vẫn phải căng sức tập luyện những ngày này.

Mong mỏi sớm được tăng đãi ngộ

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg về một số chế độ đối với HLV, VĐV nhưng sau 6 năm đi vào thực tiễn, văn bản này đã bộc lộ một số bất cập.

Điển hình là chế độ tiền ăn (200.000 đồng/người/ngày với VĐV ĐTQG, 150.000 đồng/người/ngày với VĐV trẻ) và tiền công (150.000 đồng/người/ngày với ĐTQG và 120.000 đồng/người/ngày với VĐV trẻ), khi mà giá cả thị trường sau 6 năm đã tăng gấp nhiều lần so với thời điểm Quyết định ban hành.

VĐV không ngại tập luyện vất vả, chỉ mong được ăn đủ chất

Thực tế hai năm trở lại đây, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã tích cực đề xuất nâng chế độ đãi ngộ cho HLV, VĐV nhằm phù hợp với nhu cầu mới. Tới nay đã có những chuyển biến tích cực. 

Đầu tháng 10-2017, Tổng cục TDTT đã làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư để bàn về dự thảo Nghị định quy định về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu, trong đó đề xuất các mức tăng tiền ăn, tiền công và một số đãi ngộ khác theo mức cao hơn chế độ cũ và để không bị "lỗi thời" trong khoảng 3-4 năm tới, khi dự báo giá cả thị trường tiếp tục leo thang.

Hiện, từ lãnh đạo ngành thể thao tới các HLV, VĐV đều hy vọng ở lần sửa đổi thành nghị định sắp tới, các quy định về chế độ đãi ngộ sẽ được thay đổi và sớm áp dụng ngay năm 2018.