Thưởng Tết với VĐV Việt Nam: Ngậm ngùi không biết kêu ai

ANTĐ - Trong lúc nhiều VĐV hào hứng khi đề cập tới chuyện thưởng Tết, thì cũng có không ít người thở dài ngao ngán, dù trong một năm qua, họ cũng đổ mồ hôi rất nhiều.

Thưởng Tết với VĐV Việt Nam: Ngậm ngùi không biết kêu ai ảnh 1

Ánh Viên (trái) luôn nhận được thưởng “khủng” bằng tiền lẫn hiện vật

Phấn khởi với thưởng Tết

Là một trong những VĐV nổi bật nhất trong năm 2015 vừa qua, kình ngư Ánh Viên được thưởng Tết vào hàng cao nhất làng VĐV. Nói là thưởng Tết, nhưng hầu như toàn bộ số tiền mà cô nhận được đến từ việc giải ngân những tấm huy chương trong năm 2015. Với 8 HCV tại SEA Games 28, 2 HCB và 1 HCĐ World Cup, 1 HCV cùng 1 HCB và 1 HCĐ tại Đại hội Thể thao quân sự thế giới cùng 16 HCV tại giải Vô địch quốc gia, ước tính, nếu được giải ngân và nhận đủ trước Tết Nguyên đán, Ánh Viên có thể nhận được tiền mặt hoặc hiện vật có giá trị tới 4 tỷ đồng.

Bên cạnh Ánh Viên, nhiều VĐV cũng có mức tiền thưởng khá cao, đó là các cầu thủ bóng đá. Nổi bật trong số này là Bình Dương, đội ĐKVĐ V-League. Được biết, mức thưởng cho các ngôi sao của Bình Dương thuộc hàng “khủng” nhất V-League, nhờ hầu bao rủng rỉnh của tập đoàn Becamex. Những cầu thủ đội 1 như Trọng Hoàng, Công Vinh nhận thưởng Tết không dưới 30 triệu đồng, mức thưởng thấp nhất cũng vào khoảng 15 triệu đồng. 

Trong khi đó, sau khi được chuyển giao cho Tập đoàn hùng mạnh FLC, CLB FLC Thanh Hóa cũng thưởng cho các cầu thủ của mình không kém so với Bình Dương. Các cầu thủ vì thế cũng phấn chấn và có thêm nhiều động lực hơn trước mùa giải mới. Đối với môn bóng chuyền, 2 đội nữ Ngân hàng Công thương và nữ VTV Bình Điền Long An hay đội nam Sanest Khánh Hòa... cũng thưởng cho các VĐV “tháng lương thứ 13”. Số tiền không quá lớn nhưng cũng đủ để các VĐV có một cái Tết no ấm và trọn vẹn hơn khi trở về bên gia đình.

Thưởng Tết chỉ cho có

Nhắc đến những “chuyện buồn” của thưởng Tết trong làng VĐV, chợt nhớ đến CLB Than Quảng Ninh cách đây vài năm. Khi đó, Tết Nguyên đán đã cận kề, cầu thủ của đội bóng đất Mỏ vẫn ngơ ngác xếp hàng chờ phát thưởng là... một bao gạo. Nhưng lúc này, có một thực tế là nhiều địa phương, nhiều đơn vị, ngay cả một bao gạo cũng không có để thưởng cho các VĐV. Và nhiều VĐV hễ cứ nghe đến chuyện thưởng Tết là lắc đầu ngao ngán, dù công sức, mồ hôi nước mắt họ bỏ ra trong cả một năm qua là không hề nhỏ.

VĐV Wushu Dương Thúy Vi, người cũng ít nhiều đặt dấu ấn của mình trong năm vừa qua, chia sẻ: “Đến thời điểm này chưa thấy ai nói gì tới chuyện thưởng Tết với bọn em, nhưng có lẽ không có vì chưa năm nào các VĐV được thưởng”. Không có tiền thưởng Tết trên tuyển, các VĐV chỉ biết hy vọng vào chế độ của các đơn vị chủ quản, nhưng thường thì ngân quỹ cho dịp này cũng chẳng có nhiều. Không ít các VĐV chỉ nhận được 1 triệu hay vài trăm nghìn đồng gọi là “cho có”. Thậm chí, có người chỉ được phát gói bánh, gói kẹo hay túi quà nhỏ mang về trong sự ngậm ngùi.

Điều tương tự cũng xảy ra ở CLB Đồng Tháp, một trong những đội bóng “nghèo” nhất sẽ dự V-League mùa giải tới. Không khác so với những năm trước, mỗi cầu thủ của đội bóng này chỉ nhận được “lì xì” vài trăm nghìn. Đây cũng là điều xảy ra với nhiều đội bóng nữ ở Việt Nam. Cầu thủ nữ dù thời gian gần đây đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn, nhưng về cơ bản, họ vẫn là những người chịu nhiều thiệt thòi so với mặt bằng chung. Trong hoàn cảnh khó khăn của CLB, các cầu thủ cũng thấu hiểu và không quá nặng nề chuyện thưởng Tết. Với họ, không bị chậm lương, chậm thưởng sau những trận đấu có thành tích tốt đã là thưởng Tết rồi.