Ngoại hạng Anh lũng đoạn thị trường chuyển nhượng

ANTD.VN - Chỉ trong vòng 1 tuần kể từ lúc thị trường chuyển nhượng mùa hè chính thức mở cửa, các CLB của Premier League chi tiêu 571 triệu bảng, đứng thứ năm trên bảng xếp hạng chi tiêu nhiều nhất lịch sử.

Ngoại hạng Anh lũng đoạn thị trường chuyển nhượng  ảnh 1Arsenal chưa từng chi nhiều tiền như vụ Lacazette

Hợp đồng 75 triệu bảng của Romelu Lukaku từ Everton tới M.U và thương vụ tuyển mộ Alexandre Lacazette trị giá 53 triệu bảng của Arsenal khiến chi tiêu của các đội bóng Ngoại hạng Anh tăng vọt. Trong khi thị trường chuyển nhượng đến ngày 31-8 mới đóng cửa và hàng loạt bản hợp đồng đắt đỏ đang được đàm phán, kỳ chuyển nhượng mùa hè năm nay dự báo sẽ phá kỷ lục xác lập cách đây 12 tháng, khi các đội bóng của Premier League chi tiêu 1,165 tỷ bảng.

Kế hoạch chi 70 triệu bảng của Chelsea cho Alvaro Morata và cuộc chạy đua của CLB này với M.U ở thương vụ 43 triệu bảng với Tiemoue Bakayoko chỉ là 2 trong số các bản hợp đồng tiềm năng, khiến tổng chi tiêu của các đội bóng Premier League tăng cao. Năm ngoái, chi tiêu của Premier League lên thị trường chuyển nhượng lần đầu tiên đạt mốc 1 tỷ bảng, nhờ thu nhập từ bản quyền truyền hình trị giá 5,1 tỷ bảng. 13 trong số 20 đội bóng phá kỷ lục chuyển nhượng của chính mình và Paul Pogba trở thành chữ ký đắt giá nhất thế giới với 89,3 triệu bảng.

Năm nay, M.U tiếp tục chi tiêu mạnh tay, sau khi Victor Lindelof gia nhập từ Benfica với giá 30,7 triệu bảng cùng hợp đồng tuyển mộ Lukaku đã đưa tổng mức chi tiêu của Quỷ đỏ lên 106 triệu bảng. Kình địch cùng thành phố của M.U là Man City đứng không xa ở phía sau, chi tiêu 78 triệu bảng để mua Bernardo Silva từ Monaco (43 triệu bảng) và Ederson từ Benfica (35 triệu bảng). Hợp đồng của Arsenal với Lacazette đưa đội bóng này vươn lên vị trí thứ ba, trong lúc Liverpool đứng thứ tư, với Mohamed Salah về từ Roma với giá 39 triệu bảng. 

Đáng ngạc nhiên, tân binh Huddersfield vươn lên xếp thứ năm, với 10 triệu bảng chi cho Aaron Mooy - thương vụ đắt đỏ nhất trong 36 triệu bảng đầu tư lên thị trường chuyển nhượng. Trái với không khí sôi động tại Ngoại hạng Anh, các đội bóng lớn ở Tây Ban Nha, Đức, Italia và Pháp vẫn im hơi, lặng tiếng, hoặc chỉ thực hiện những bản hợp đồng giá trị thấp.