Khi những ức chế tích tụ

ANTD.VN - Không phải vô cớ mà sau khi VFF ra án phạt đội Long An, thay vì bàn tán mức độ nặng nhẹ như thường thấy, đồng loạt dư luận lại dấy lên câu hỏi: “Tại sao không thấy phạt trọng tài?”.

Khi những ức chế tích tụ ảnh 1Sự cố của đội Long An đến từ sự ức chế với trọng tài trong thời gian dài

Sở dĩ có những câu hỏi như vậy là bởi trọng tài với quyết định thổi penalty tranh cãi là nguồn cơn dẫn tới những hành vi đi quá giới hạn của cổ động viên Hải Phòng và thành viên đội Long An. Và sự “trút giận” của số đông đó có nguyên do của nó.

Chủ tịch đội Long An Võ Thành Nhiệm một mặt lên tiếng nhận lỗi và đệ đơn từ chức nhưng không quên đề nghị VFF, VPF chấn chỉnh trọng tài để tránh lặp lại những phản ứng đáng tiếc từ phía cầu thủ các đội bóng. Bởi theo ông Nhiệm, cầu thủ Long An phản ứng như vậy cũng vì họ ức chế với trọng tài trong thời gian quá dài.

Sai phạm của trọng tài không giảm mà cứ lặp đi lặp lại từ mùa này qua mùa khác buộc dư luận phải đặt câu hỏi: Trọng tài sai vì chuyên môn kém hay vì lý do nào khác?

Chứng kiến những trọng tài từng nhiều lần bị “treo còi” vẫn được tín nhiệm bắt chính giải quốc gia, người ta lại đặt thêm nghi vấn: “Phải chăng có lợi ích nhóm trong Ban Trọng tài?”, như chính lời Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức nói khi đề nghị Thường trực VFF phải cách chức Trưởng ban Trọng tài đối với ông Nguyễn Văn Mùi. 

Chuyện trọng tài tiêu cực không chỉ còn là câu chuyện râm ran nơi hậu trường mà bị chính người trong cuộc là Còi vàng 2006 Dương Mạnh Hùng nói “trắng phớ” trên mặt báo: “Tôi không chụp mũ tất cả, nhưng nhiều đàn em trong nghề sau này vẫn chia sẻ rằng, họ nhận được những đồng tiền “lót tay”. Không phải đến lúc trọng tài họ sai mười mươi, dư luận lên tiếng mọi chuyện mới ầm ỹ đâu!”.

Thành kiến về trọng tài không chỉ đến ở những tiếng “còi méo” trên sân mà còn từ lời dị nghị chuyện bố làm trưởng ban lại ưu ái cho cấp dưới là con đẻ và con rể mình.

Đáng nói là không một ai có trách nhiệm đứng ra giải tỏa những nghi ngờ trên. Sự im lặng đến vô cảm đó như thỏi nam châm hút dần, hút cạn những hạt sắt li ti của niềm tin, thỏi nam châm cứ ngày một lớn còn niềm tin thì đã chạm đáy.

Điều đáng ngại với V-League và bóng đá Việt Nam sau vụ Long An không phải chuyện một CLB thành viên có hành vi xấu xí bị bêu trên báo quốc tế mà là những cái đầu tích tụ ức chế với trọng tài, với nhà quản lý chỉ chực chờ bùng nổ và câu hỏi “trọng tài có tiêu cực, có lợi ích nhóm hay không” mãi chìm trong vô vọng khiến người hâm mộ thất vọng  quay lưng.

Phản ứng về án kỷ luật đội Long An:

- Thủ môn Nguyễn Minh Nhựt: “Án phạt 2 năm quá nặng. Tôi đã 31 tuổi và còn có mẹ già đang bị bệnh. Tôi phải đá bóng để lo cho gia đình nhưng bây giờ mọi thứ đã khép lại”.

- Nguyên Chủ tịch CLB Long An Võ Thành Nhiệm: “Với tôi cấm hành nghề 3 năm hay thậm chí 5-10 năm cũng không ý kiến gì nhưng án phạt dành cho anh em HLV, cầu thủ như thế nặng quá. CLB Long An sẽ có đơn xin giảm án cho họ và mong VFF xét lại”.

- Tân Chủ tịch CLB Long An Nguyễn Môn: “Tôi cho rằng tính răn đe trong bản án của VFF không cao. Treo giò Minh Nhựt và Quang Thanh 2 năm là hơi nhẹ, cần nghiêm khắc hơn thậm chí treo giò vĩnh viễn để làm gương cho người khác”.

- Chủ tịch Công ty VPF Võ Quốc Thắng: “Tôi hoàn toàn ủng hộ án phạt nghiêm khắc do Ban Kỷ luật ban hành sau những hành vi phi thể thao diễn ra trên sân Thống Nhất. Đây là cái giá khá đắt nhưng cũng là bài học xương máu với bóng đá Long An”.

- Chuyên gia, HLV Lê Thụy Hải: “Vụ việc trên sân Long An do cầu thủ ức chế trọng tài và trách nhiệm thuộc về nhiều phía. Những cầu thủ chịu án kỷ luật chỉ như con tốt thí trên bàn cờ, có dìm họ đến phải bỏ nghề cũng không giải quyết được gốc vấn đề”. 

- Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi: “Tôi không bình luận gì về án phạt của Ban Kỷ luật cho Long An, cũng không bình luận việc trọng tài Nguyễn Trọng Thư bắt trận đó đúng hay sai. Tuy nhiên, Ban Trọng tài sẽ họp nội bộ để rút kinh nghiệm”.