"Góc tối" của bóng đá Trung Quốc

ANTD.VN - Cách đây chưa lâu, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) thông tin đang vào cuộc điều tra một trận đấu ở giải hạng Nhất CH Ireland bị nghi ngờ có sự dàn xếp từ tổ chức tội phạm đến từ Trung Quốc. Và mới nhất, ngày 13-7 vừa qua, Lukas Podolski có đánh giá rất thẳng thắn về bóng đá Trung Quốc, theo đó tiền đạo nổi tiếng cho rằng cách đàm phán của CLB Trung Quốc như tội phạm. 

Về phía cuộc điều tra một trận đấu ở giải hạng Nhất CH Ireland, UEFA đang rất lo ngại khi vấn nạn dàn xếp tỷ số được tổ chức một cách tinh vi hơn bởi các tên tội phạm đến từ Trung Quốc. Chúng mua lại cổ phần từ các CLB châu Âu và từ đó điều khiển kết quả trận đấu. Ví dụ cụ thể trong trận thua của Athlone Town trước Longford Town ở giải hạng Nhất CH Ireland đã bị cảnh sát, Liên đoàn bóng đá Ireland và UEFA vào cuộc điều tra vì nghi bị làm độ.

Theo đó, một số lượng lớn tiền đặt cược đã được dồn vào trận đấu này. Nguồn tin từ UEFA cho biết những kẻ biết thông tin đã thu được khoảng 500.000 bảng từ thị trường cá độ ngầm châu Á, khi đặt vào cửa có ít nhất 2 bàn ở hiệp 1 (Longford thắng 2-0 sau hiệp 1) và cửa có ít nhất 4 bàn cả trận (Longford thắng 3-1 cả trận). Đáng chú ý, Athlone là CLB đã được mua lại bởi một quỹ đầu từ có nguồn gốc từ Bắc Kinh, Trung Quốc. Số cổ phần để sở hữu Athlone chỉ là 425.000 Bảng, thấp hơn số tiền thu về từ một trận đấu đã bị dàn xếp tỷ số.

UEFA đã gửi cảnh báo tới CLB Athlone: “Có bằng chứng rõ ràng rằng kết quả của trận đấu đã bị điều khiển nhằm đạt được lợi nhuận từ cá cược”. Về phía CLB Athlone lập tức phủ nhận và tuyên bố “hoàn toàn bị sốc” vì cáo buộc trên. Thế nhưng, đây không phải là lần đầu Athlone bị đặt vào vòng nghi ngờ. Ngày 8-4, CLB Athlone để thua UC Dublin 1-4. Ở thị trường ngầm, có số lượng lớn tiền đổ vào cửa ít nhất 5 bàn được ghi và bàn thắng thứ năm được UC Dublin ghi vào phút 89 của trận đấu.  

Kể từ khi CLB Athlone được mua lại, có số lượng lớn người chơi và nhân viên mới được bổ sung. Trong số đó có thủ môn Igor Labuts người Latvia đã chơi cho ít nhất 2 đội khác có chủ đến từ Bắc Kinh và cũng từng bị điều tra bán độ. Những nghi ngờ nhằm vào CLB Athlone là hồi chuông báo động cho nạn dàn xếp tỷ số từ các tên tội phạm Trung Quốc. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua cổ phần ở 20 CLB châu Âu trong những năm gần đây. Đa phần trong số đó không gây tranh cãi, nhưng UEFA cảnh báo có dòng tiền tương đối lớn chảy vào các giải đấu thấp ở châu Âu có sự góp mặt của CLB được người Trung Quốc mua lại.

Ở một diễn biến khác, tuần vừa qua, tiền đạo nổi tiếng Lukas Podolski có đánh giá rất thẳng thắn về bóng đá Trung Quốc với Sport Bild rằng giải Chinese Super League không bao giờ vươn đến tầm cỡ hàng đầu thế giới. Cùng với đó, cựu thành viên đội tuyển Đức vô địch World Cup 2014 đã quyết định gia nhập CLB Vissel Kobe của Nhật Bản theo bản hợp đồng 2 năm với mức lương 8,9 triệu bảng/năm.

Trước đó, Lukas Podolski đã từ chối lời mời sang Trung Quốc thi đấu. Nếu tới Trung Quốc, mức lương của cựu sao Arsenal còn cao hơn. Song, chân sút 32 tuổi đã không gật đầu đồng ý trước sức mạnh của đồng tiền - vốn được các câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc khẳng định khi chiêu mộ rất nhiều các ngôi sao bóng đá trên thế giới.

Chưa hết, Lukas Podolski cũng chia sẻ về cách CLB Trung Quốc thực hiện đàm phán chuyển nhượng: “Mức lương 13 đến 17 triệu bảng tại Trung Quốc là một con số vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên, cách họ đàm phán, với 8 hay 9 người đại diện đôi lúc quá phức tạp, điều đó giống như làm việc với các tội phạm”.

Giải thích thêm về quyết định từ chối lời mời gọi của các CLB Trung Quốc, Podolski nói thẳng không thấy tương lai ở giải Vô địch quốc gia nước này. Anh cũng chê bóng đá Trung Quốc kém phát triển nhiều mặt, đồng thời bị chi phối bởi nhiều vấn đề khác. Tiền đạo 32 tuổi nhận xét: “Tôi thích Trung Quốc bởi ở đó lực lượng cổ động viên rất hùng hậu. Tuy nhiên, bóng đá tại quốc gia này sẽ không bao giờ được như Bundesliga của Đức. Với cách làm bóng đá hiện tại, họ sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu trở thành một trong những giải đấu hay nhất thế giới. Cứ hãy nhìn phần chìm của tảng băng, không hề có chút gì liên quan tới bóng đá cả”. 

Việc các CLB Trung Quốc vung tiền để tạo ra những bản hợp đồng “bom tấn” cũng không đảm bảo thành công cho Chinese Super League, giải đấu bị đánh giá thiếu chuyên nghiệp. Các cầu thủ mới tới Trung Quốc thi đấu chưa đầy một năm đang nằng nặc đòi ra đi bởi không chịu nổi môi trường bóng đá tại đây. Tình trạng bán độ, dàn xếp tỉ số, trọng tài thiên vị, bạo lực sân cỏ... vẫn đang đầy rẫy trong “góc tối” tại giải đấu được “mạ vàng” hoành tráng bởi những bản hợp đồng “điên rồ”. Điều đó khiến các cầu thủ ngoại quốc vốn quen với bầu không khí bóng đá chuyên nghiệp không muốn đến, hoặc đã đến thì không muốn ở lại dù được trả những khoản lương cao ngất ngưởng.