Cuộc cách mạng công nghệ phủ sóng sân cỏ

ANTĐ - GOAL-LINE, công nghệ xác định bóng đã qua vạch vôi sẽ chính thức được áp dụng tại Euro 2016 ở Pháp mùa hè này lẫn các trận đấu tại Champions League 2016/2017. 

VAR, công nghệ video hỗ trợ trọng tài được LĐBĐ Italia triển khai qua hai giai đoạn “offline” mùa giải 2016/2017, trực tiếp mùa giải 2017/2018. Trong tương lai gần, rất có thể CĐV sẽ được quyền lựa chọn cầu thủ nào phải rời sân trong mỗi trận đấu ở Premier League chỉ qua thao tác với chiếc Smartphone…

Cuộc cách mạng công nghệ đang phủ sóng sân cỏ, với mục đích cao nhất: Giảm tối đa những sai lầm của trọng tài bởi thực tế ở sân chơi hấp dẫn bậc nhất hành tinh đang bị hoen ố vì những quyết định sai lầm nghiêm trọng của các trọng tài.    

Goal-line là công nghệ được sử dụng thành công tại World Cup 2014 cũng như phổ biến ở Premier League. Tuy áp dụng công nghệ Goal-line nhưng trọng tại thứ 5, 6 vẫn được UEFA duy trì ở các trận đấu. Mới nhất, UEFA đã thông báo công nghệ xác định bóng đã qua vạch vôi hay chưa sẽ được áp dụng chính thức tại EURO 2016 ở Pháp mùa hè này, tiếp đến là đưa vào các trận đấu tại Champions League 2016/2017, Europa League từ mùa giải 2017/2018.

Trước đó, công nghệ đường biên đã lần lượt được triển khai tại Premier League, Bundesliga, Serie A. Sau đó, Hiệp hội bóng đá quốc tế (IFAB) đã đưa ra kiến nghị dùng công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) từ mùa giải tới để giúp các trọng tài xác định những bàn thắng mà họ nghi ngờ, các tình huống thổi phạt, thẻ đỏ hay tiểu xảo của các cầu thủ…

Ngay sau đó, ông Carlo Tavecchio, Chủ tịch LĐBĐ Italia đã tổ chức một cuộc họp giữa Seria A, B và AIA (Hiệp hội trọng tài Italia) để quyết định sử dụng thử nghiệm VAR. Thực tế, tất cả những quyết định của UEFA đã tiếp tục mở ra một cuộc cách mạng công nghệ vào các trận đấu bóng đá. 

Tại sao lại có hàng chục các câu lạc bộ quan tâm và hào hứng khi VAR được áp dụng đến vậy, bởi thực tế công nghệ đường biên là chưa đủ, những tranh cãi xoay quanh lỗi việt vị, trọng tài thiên vị, thẻ vàng, thẻ đỏ sai lầm… vẫn cứ liên tục xảy ra, tranh cãi trong sân và sau mỗi trận đấu tràn ngập mặt báo. Ví dụ thì nhiều, nhưng điển hình nhất là Man City bị mất ngôi đầu bảng vào tay Arsenal và Leicester.

Một trong những tình huống đã ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện trận đấu là việc Raheem Sterling không được nhận phạt đền ở trận hòa Everton 0-0. Trong thời gian đá bù giờ, Sterling lao vào vòng cấm và rõ ràng đã bị John Stones phạm lỗi. Không có tiếng còi nào được cất lên.

Man City có lý do để tin rằng, những sai lầm của trọng tài đã góp phần khiến họ đánh mất cơ hội tranh chức vô địch. Không lâu sau vụ việc nói trên, Sterling lại tham gia vào một tình huống liên quan đến Penalty khác mà lần này là trước trước Tottenham.

Sterling cố gắng ngăn chặn quả tạt của Danny Rose khi bóng đập vào người nhưng trọng tài Clattenburg lại cho rằng đã chạm vào tay. Man City chịu Penalty và thua chung cuộc… Và hàng loạt những tình huống việt vị rõ ràng, có lẽ người ta càng cảm thấy phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc áp dụng VAR vào trong các trận đấu. 

VAR không bao gồm tất cả các tình huống trên sân. Những trường hợp cụ thể được áp dụng sau khi một cầu thủ ghi bàn thắng gồm có: Đánh giá xem liệu đã có phạm lỗi hay chưa, bóng có đi ra ngoài không, hoặc việt vị hay chưa. Nó cũng được áp dụng đối với quyết định phạt thẻ đỏ trực tiếp và thổi phạt đền, những tình huống có thể thay đổi cục diện trận đấu.

Mục đích chính của VAR nhằm sửa chữa sai lầm của trọng tài, tất cả các tình huống sẽ được xem xét lại dựa trên video quay chậm với sự “phục vụ” của ít nhất 5 máy ảnh, ở Serie A có tối thiểu 12 máy cho mỗi SVĐ.

Mới nhất, có lẽ là thông tin CĐV sẽ được quyền chọn cầu thủ nào phải rời sân trong mỗi trận đấu ở Premier League chỉ qua thao tác với chiếc điện thoại thông minh (smartphone). Ý tưởng trên được Mark Sear, Giám đốc điều hành Tập đoàn thống kê và phân tích dữ liệu EMC đưa ra.

Theo ông Mark Sear, ý tưởng này được chính một đội bóng lớn nhưng không muốn tiết lộ danh tính tại Premier League đề xuất nhằm giúp cho các CĐV có được sự tương tác tốt hơn với những trận đấu, cũng như sẽ lôi kéo các khán giả tới sân ngày càng đông hơn.

Phương pháp được đưa ra là mỗi khán giả đến sân sẽ được gửi một bản đánh giá đầy đủ và chi tiết về màn trình diễn của mỗi cầu thủ trong trận đấu đó thông qua một ứng dụng trên điện thoại. Và trong chính ứng dụng đó, sẽ có một mục để các CĐV bình chọn cầu thủ nào xứng đáng bị thay ra. Theo tính toán, khoảng 70% số CĐV khi đến sân sử dụng smartphone.

Nếu đề xuất này được LĐBĐ Anh (FA) thông qua, ý tưởng này có thể sẽ được áp dụng ngay từ mùa tới tại các trận đấu thuộc giải U.21. Đặc biệt, ý tưởng công nghệ theo dõi phong độ điện tử cũng đang được nghiên cứu, đó là mỗi cầu thủ khi ra sân sẽ được gắn trên cánh tay một thiết bị theo dõi tinh vi nhằm đánh giá màn trình diễn của cầu thủ đó, cũng như ghi lại các thông số về nhịp tim, nhịp thở và chỉ số huyết áp…

Có thể nói, trong tương lai gần, cuộc cách mạng công nghệ sẽ phủ sóng sân cỏ với mục đích cuối cùng để các trận đấu ở sân chơi hấp dẫn bậc nhất hành tinh này không bị lạc nhịp bởi những sai lầm trên bất cứ phương diện nào.