"Canh bạc tất tay"

ANTD.VN - SEA Games 2017 đánh dấu 20 năm dẫn dắt ĐTQG nữ của HLV Mai Đức Chung, nhưng là lần đầu tiên của đồng nghiệp Nguyễn Hữu Thắng bên phía tuyển U22 Việt Nam. Còn với “bầu” Đức, đây là giải đấu ông “đặt cược” thanh danh lẫn quyền lực của mình trong địa hạt bóng đá.

"Canh bạc tất tay" ảnh 1

Thành tích của lứa Công Phượng tại SEA Games 29 sẽ quyết định chiếc ghế của HLV Hữu Thắng và của “bầu” Đức - Ảnh: BẢO LÂM

“Phải vô địch SEA Games 29”

20 năm trước, bóng đá nữ Việt Nam lần đầu hội nhập sân chơi Đông Nam Á đã xuất sắc giành HCĐ. Người tạo cột mốc lịch sử này là HLV Mai Đức Chung. Trong sự nghiệp cầm quân, ông Chung đảm nhiệm nhiều vị trí ở các cấp độ đội tuyển song những thành tích ngọt ngào nhất đều đến từ đội tuyển nữ, với 2 chức vô địch SEA Games và tấm vé bán kết ASIAD 2014. 

Ông Chung nổi tiếng mát tay, bởi nhiều lần phải sắm vai “đóng thế” khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sa thải các HLV ngoại nhưng hễ cứ trao vào tay ông là đội tuyển nữ lại thăng hoa, gặt hái thành tích. SEA Games 2017 tới đánh dấu mốc tròn 20 năm dẫn dắt đội tuyển nữ và bản thân ông Chung không giấu giếm tham vọng đoạt thành tích cao nhất: “Tôi cùng các học trò quyết tâm phải vô địch kỳ đại hội này, làm bàn đạp cho mục tiêu đoạt vé World Cup vào năm sau”.

Trái với thâm niên dạn dày của đồng nghiệp bên tuyển nữ, HLV Nguyễn Hữu Thắng lần đầu cầm đội tuyển nam thi đấu SEA Games. Về lý thuyết, ông Thắng nhẹ chỉ tiêu hơn đồng nghiệp khi chỉ phải vào tới trận chung kết theo yêu cầu của VFF nhưng thực tế còn có áp lực vô hình từ giấc mơ vô địch SEA Games của hàng triệu người hâm mộ đang mòn mỏi đợi chờ. Kết quả của U22 Việt Nam tại đại hội còn quyết định chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG nam của HLV Hữu Thắng, mà nếu không thành công thì rất khó có cơ hội được quay trở lại.

“Canh bạc” SEA Games của bầu Đức

3 năm trước, phấn khích trước thành tích vô địch Đông Nam Á và những hiệu ứng tích cực do lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... tạo ra, ông chủ CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) tuyên bố: Lứa U19 không đoạt HCV SEA Games, hãy gọi tôi là Đức “nổ”.

SEA Games 28 một năm sau đó, U23 Việt Nam dưới thời HLV Miura là tập hợp của những cá nhân xuất sắc, trong đó đội bóng của bầu Đức góp tới 5 cái tên nhưng chung cuộc chỉ giành vị trí thứ ba. Hai năm sau thất bại đó, HAGL đóng góp nhiều cầu thủ trụ cột cho đội tuyển với 9 cái tên (hiện còn trụ lại 7 người) và cũng là kỳ SEA Games cuối cùng còn đủ tuổi tham dự của lứa Công Phượng. 

Trước giờ đại hội khởi tranh, “bầu” Đức khẳng định: “Nếu U22 không vô địch SEA Games, tôi sẽ từ chức Phó Chủ tịch VFF”. Suốt 10 năm bỏ tiền bạc, tâm huyết đào tạo trẻ với mục tiêu xuất khẩu cầu thủ Việt sang châu Âu nhưng đến nay mới chỉ có 3 “gà nòi” của bầu Đức được CLB hạng trung của Nhật Bản, Hàn Quốc ký hợp đồng mượn ngắn hạn và cũng rơi rụng dần vì thua kém đẳng cấp. 

Màn trình làng thất bại của lứa học viên khóa II, khóa III Học viện HAGL cùng việc CLB Arsenal chấm dứt hợp đồng hợp tác và sự chuyển giao công nghệ đào tạo trẻ của HAGL cho đối tác Nutifood, khiến người ta loáng thoáng thấy sự mệt mỏi và buông tay của “bầu” Đức. Với hai phát ngôn “đặt cược” cả thanh danh lẫn quyền lực của bản thân trong địa hạt bóng đá, có thể thấy “bầu” Đức đang chơi “canh bạc tất tay” tại SEA Games 29, canh bạc mà cửa thắng duy nhất là U22 Việt Nam phải giành HCV.