- Cúp bắn súng quốc gia 2017: Bia giấy, trường bắn cũ và nỗi ám ảnh thiếu đạn
- Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tái xuất Cúp bắn súng quốc gia
- Hoàng Xuân Vinh "khai súng" bằng huy chương Bạc thế giới
Như Báo ANTĐ đã phản ánh trong số báo ra ngày 8-4 về những câu chuyện cười ra nước mắt ở trường bắn Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội (Nhổn), bất cứ ai đặt chân đến đây hẳn đều giật mình vì sự lạc hậu của nó.
Được xây dựng từ năm 2003 để phục vụ cho kỳ SEA Games trên sân nhà, nhưng sau 14 năm, đến nay nó vẫn chưa một lần được tu sửa và đã xuống cấp nghiêm trọng. Ở trường bắn đĩa bay, sau trận mưa khủng khiếp vào năm 2008, hàng chục chiếc máy bắn đĩa đã bị hỏng hóc nặng vì ngập nước. Số máy nhập nguyên chiếc từ nước ngoài có giá hàng chục tỷ đồng này không thể sửa được vì mất công và chi phí tốn kém, nên trở thành một đống sắt vụn hoen gỉ.
Dù sao, trường bắn đĩa bay mỗi năm cũng chỉ tổ chức 1-2 giải, nên các xạ thủ cũng có thể thông cảm được, nhưng còn trường bắn các cự ly tiêu chuẩn cho các tuyển thủ quốc gia thế nào? Chúng lạc hậu đến mức khó tin.
Đến một quốc gia kém phát triển về thể thao như Lào cách đây 8 năm cũng đã có trường bắn điện tử. Còn trường bắn ở Nhổn, cho đến thời điểm này vẫn dùng bia giấy, thực sự là “của hiếm” ở khu vực Đông Nam Á.
Trong khi hầu hết các quốc gia có môn bắn súng phát triển mạnh đã lắp đặt hệ thống bia điện tử, tính điểm điện tử tối tân, thì hiện nay chúng ta vẫn dùng bia giấy và dùng ròng rọc kéo về để chấm điểm một cách thủ công. Như thế để thấy khâm phục hơn nghị lực của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Từ trường bắn sơ sài này, anh vẫn mang vinh quang về cho Tổ quốc với tấm HCV Olympic ở Rio năm 2016.
Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế là Hoàng Xuân Vinh cũng không ít lần đánh mất Huy chương ở các giải châu lục và thế giới cũng chỉ vì bị “khớp” về tâm lý, khi đang quen bắn bia giấy, lại thi đấu ở bia điện tử!
Không chỉ có chuyện trường bắn, mà chuyện về súng và đạn cũng là điều khiến các xạ thủ Việt Nam luôn đau đầu. Trong khi các đồng nghiệp trên thế giới có đến cả bộ sưu tập súng, thì ở ta, ngay cả chuyện mua một khẩu súng mới để đáp ứng yêu cầu chuyên môn cũng là chuyện quá khó. Kinh phí một lần nữa là yếu tố quyết định.
Nhưng ngay cả khi có súng, thì chưa chắc xạ thủ đã có thể sử dụng ngay, dẫn đến nhiều chuyện bi hài. Một trong những câu chuyện như thế xảy ra trước thềm Olympic 2012. Sau khi giành vé tham dự Olympic, đội tuyển bắn súng được trang bị một khẩu súng mới hiệu Morini CM 162 EI sản xuất tại Thụy Sỹ với chíp điện tử hiện đại nhất lúc bấy giờ. Nhưng do được cấp muộn quá, các xạ thủ chỉ còn biết cất vào tủ để ngắm.
Lý do là không kịp thời gian để gọt báng súng cho vừa tay nên khi cầm, luôn có độ lệch khiến các VĐV không thoải mái. Mà trong môn bắn súng, chỉ cần lấn cấn 1 ly thôi là mọi chuyện đã khác.
Người ta thường đồn nhau là đội tuyển bắn súng không có đủ đạn để bắn. Điều này, về lý thuyết là không chính xác. Họ vẫn có đủ đạn, chỉ có điều nó là đạn loại 2 hoặc thậm chí loại 3. Đạn loại 1 chi phí đắt nên được cấp một cách cầm chừng. Trong khi đạn loại 2, loại 3 giá thành rẻ, nhưng khiến nhiều xạ thủ ức chế vì không thể “lên tay”.
Lý giải về điều này, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Hiện nay cơ chế mua đạn tập phải qua đấu thầu. Chúng tôi buộc phải vay mượn của các đơn vị địa phương, đặc biệt của quân đội và cho đến giờ vẫn nợ nhiều”.
Với những gì mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã mang về cho thể thao Việt Nam ở Olympic Rio 2016, rõ ràng bắn súng cần được đầu tư và quan tâm mạnh mẽ hơn nữa. Không phải lúc nào chúng ta cũng có những xạ thủ như thế, mà chỉ có đầu tư dài hạn, bài bản và chuyên nghiệp mới hy vọng có những Hoàng Xuân Vinh tiếp theo. Không gì hơn lúc này là một trường bắn mới đạt tiêu chuẩn quốc tế.
“Tôi vẫn luôn ấp ủ mở một trường bắn hiện đại để mọi người đều có thể tập luyện môn bắn súng. Với tôi, điều đó còn có ý nghĩa hơn cả tấm HCV Olympic. Vì thành tích ấy chỉ được vinh danh thực sự, khi nó là cú hích cho thể thao của chúng ta”, Hoàng Xuân Vinh chia sẻ.