"Xoay trục" kiểu Donald Trump

ANTD.VN - Việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump  điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rồi trực tiếp gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho thấy chính sách “xoay trục về châu Á” tiếp tục được chính quyền mới triển khai, song có thể theo cách riêng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được tân Tổng thống Mỹ Donald Trump mời lên chuyên cơ Air Force One - sau khi ông nhậm chức

Hàng loạt câu hỏi về chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được đặt ra khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Thời điểm đó, việc ông chủ Nhà trắng tương lai có những tuyên bố gây sốc như rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), yêu cầu các đồng minh chi trả chi phí đảm bảo an ninh hay trừng phạt thương mại Trung Quốc… đã khiến không ít người quan ngại về sự thay đổi chính sách đối ngoại lâu nay của Washington với châu Á - Thái Bình Dương, nhất là việc xét lại chính sách “xoay trục về châu Á” của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama.

Những quan ngại trên càng có thêm cơ sở khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải tức tốc từ Tokyo vượt Thái Bình Dương tới Tòa tháp Trump ngay sau khi ông Trump đắc cử để tham vấn về chính sách đối ngoại, trong đó có đề nghị xem lại việc Mỹ rút khỏi TPP… Ông Donald Trump còn phá vỡ nguyên tắc từ xưa đến nay của Mỹ khi trực tiếp điện đàm với bà Thái Anh Văn, người đứng đầu chính quyền Đài Loan.

Thế nhưng, mọi quan ngại về sự đảo lộn chính sách của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương trở thành nỗi lo lắng thái quá khi nhìn vào cuộc điện đàm của tân Tổng thống Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sự đón tiếp nồng hậu hiếm thấy của ông chủ Nhà trắng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đáng nói hơn nữa là hai lần dùng “thuốc thử liều cao” với chính sách châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Donald Trump chỉ diễn ra cách nhau có vài giờ trong ngày 13-2 vừa qua.

Không như Bắc Kinh từng e ngại, trong cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã chính thức khẳng định chính quyền của ông luôn tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” từ trước tới nay. Tân Tổng thống Mỹ cũng cam kết với Chủ tịch Trung Quốc rằng, chính quyền của ông sẽ nỗ lực để “đưa quan hệ song phương lên những bước phát triển mới”.

Tổng thống Donald Trump cũng khiến đồng minh Nhật Bản thân cận bậc nhất an lòng khi dành cho Thủ tướng Shinzo Abe sự đón tiếp nồng ấm hiếm thấy với cái bắt tay được mô tả là “lịch sử” lâu tới 19 giây và sau đó cùng lên chiếc chuyên cơ Air Force One đi chơi golf như những người bạn cố tri. Ông Donald Trump cũng không quên khẳng định với ông Abe rằng, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật luôn luôn vững chắc, bất chấp bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp thế nào.

Những tín hiệu và động thái rõ ràng từ cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc và hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp nối chính sách đối ngoại hiện nay của Washington với châu Á - Thái Bình Dương - khu vực ngày càng quan trọng trong lợi ích toàn cầu của Mỹ, song với cách mới. Đó là muốn duy trì sự ổn định trong quan hệ với cường quốc, nhưng sẽ hành động mạnh mẽ hơn để kiềm chế, răn đe Bắc Kinh nhằm bảo vệ lợi ích sống còn của Washington. Trong đó, thắt chặt quan hệ đồng minh thân cận với Nhật Bản là một cách để kiềm chế, răn đe Trung Quốc.