"Vũ khí" trừng phạt hủy hoại quan hệ Mỹ - Nga

ANTD.VN - Trừng phạt đã trở thành thứ vũ khí nguy hiểm hủy hoại quan hệ giữa Mỹ và Nga khi mà hai cường quốc hàng đầu thế giới này không thể tìm được cách thức thương lượng để giải quyết bất đồng, tranh chấp.

Giá trị cổ phiếu của công ty nhôm Rusal giảm mạnh khiến công ty nhôm lớn nhất của Nga thiệt hại nhiều tỷ USD 

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 9-4 đã chỉ đạo chính phủ chuẩn bị các kế hoạch đáp trả, sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới đây nhất nhằm vào Matxcơva. Thủ tướng Medvedev đã gọi lệnh trừng phạt của Mỹ là “không hợp pháp” và “không thể chấp nhận được”, đồng thời khẳng định Nga có quyền đáp trả. 

Trước đó, ngày 6-4, Bộ Tài chính Mỹ thông báo quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với 24 công dân Nga và 14 thực thể của nước này với lý do những đối tượng này có các hành động mà Washington cho là phá hoại nền dân chủ phương Tây. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho rằng Chính phủ Nga can dự vào nhiều vấn đề và nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, chiến trường Syria, phá hoại các nền dân chủ phương Tây và tấn công mạng. 

Đòn trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào Nga rất “nặng tay” khi trong số các cá nhân người Nga bị Mỹ trừng phạt lần này có ông Evgeniy Shkolov, Trợ lý Tổng thống Nga, lãnh đạo tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga Gazprom cùng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn của Nga như EN+, Gazprom Burenie, Revona Group. Bên cạnh đó là các công ty trong lĩnh vực luyện kim, năng lượng và quốc phòng then chốt của Nga.

Lệnh trừng phạt mới của Mỹ dù mới được thông báo vài ngày, song đã gây ra những tổn hại lớn cho phía Nga. Do tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ, cổ phiếu của công ty sản xuất nhôm Rusal của Nga trên thị trường chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) đã giảm 50%, đẩy công ty này đến bờ vực vỡ nợ một phần. Mức giảm này đồng nghĩa “gã khổng lồ” ngành nhôm chịu tổn thất 4,3 tỷ USD, tương đương hơn 7% giá trị sản lượng nhôm toàn cầu. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Nga là RTS và MOEX đã mất lần lượt 4,94% và 3,94% giá trị, trong khi đó đồng Ruble của Nga cũng trượt giá so với các ngoại tệ mạnh như đồng USD hay Euro. 

Chính vì thế, cùng với việc yêu cầu chính phủ Nga lên kế hoạch giúp đỡ các công ty nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, bao gồm các công ty trong lĩnh vực luyện kim, năng lượng và quốc phòng, Thủ tướng Medvedev cũng khẳng định sẽ có đòn trả đũa tương xứng. Song, biện pháp trừng phạt đáp trả từ phía Nga là gì thì chưa thấy ông Medvedev nói rõ.

Nhiều năm nay, nhất là kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine đầu năm 2014, quan hệ giữa Nga với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, liên tiếp xảy ra những bất đồng, tranh chấp và đối đầu. Thay vì ngồi lại thương lương để giải quyết mâu thuẫn, Mỹ và phương Tây lại luôn lấy trừng phạt là biện pháp nhằm buộc Matxcơva phải “xuống nước” chấp thuận các yêu cầu, yêu sách mà họ đặt ra.

Nước Nga dưới sự lãnh đạo của ông Vladimir Putin - người đang tìm mọi cách để đưa quốc gia này trở lại vị thế siêu cường hàng đầu thế giới - tất nhiên không chấp nhận lép vế trong cuộc tranh ảnh hưởng với Mỹ và phương Tây, cho dù chính Matxcơva cũng phải chịu những thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến mang tên “trừng phạt”. Đây đã trở thành một loại vũ khí ưa dùng trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Có điều vũ khí này không chỉ hủy hoại quan hệ giữa các cường quốc hàng đầu thế giới mà còn ảnh hưởng xấu tới quan hệ quốc tế hiện nay.