Việt Nam - thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc

ANTD.VN - Sự đóng góp tích cực và hiệu quả trong suốt 40 năm qua kể từ khi tham gia Liên hợp quốc đã khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của tổ chức lớn nhất hành tinh này cũng như cộng đồng quốc tế.

Việt Nam - thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc ảnh 1Một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cùng một em bé địa phương khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Trung Phi

Trong cuộc hội đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 30-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, là thành viên có trách nhiệm của LHQ, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào công việc chung của tổ chức này.

Việt Nam vừa hoàn thành nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền, đang đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội và Hội đồng chấp hành UNESCO và dự kiến sẽ ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.

Tổng Thư ký Antonio Guterres ghi nhận những đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam tại các cơ chế LHQ cũng như việc tiếp tục tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Tổng Thư ký nhấn mạnh, LHQ sẽ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, thông qua việc triển khai Kế hoạch chiến lược chung giai đoạn 2017-2021.

Gần 40 năm trước, đất nước Việt Nam thống nhất với những ảnh hưởng còn rất nặng nề của suốt mấy chục năm chiến tranh tàn khốc, chính thức trở thành thành viên LHQ vào ngày 20-9-1977. Việt Nam những năm sau đó đã nhận và sử dụng hiệu quả viện trợ của cộng đồng quốc tế nhằm góp phần giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội. 

Thành công trong xóa đói giảm nghèo, cải cách và nhất là hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) cũng là những đóng góp của Việt Nam trong sứ mệnh phát triển trên thế giới. Sự hợp tác giữa Việt Nam và LHQ là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên LHQ, cũng như về vai trò của LHQ trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo. 

Các chuyên gia giáo dục, nông nghiệp Việt Nam có những đóng góp hiệu quả khi tham gia vào các chương trình hợp tác của LHQ. Thành công của Việt Nam khi tham gia vào các chương trình này đã trở thành một hình mẫu hợp tác “ba bên”, giúp LHQ đúc rút ra những mô hình hợp tác phát triển hiệu quả.

Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam tham gia ngày càng tích cực hơn vào việc giải quyết các vấn đề, thách thức đặt ra cho khu vực và quốc tế. Trong đó, nổi bật là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. 

Bên cạnh việc lần đầu tiên tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hòa bình, an ninh quốc tế, Việt Nam còn tham gia và có những đóng góp tích cực vào nhiều tổ chức của LHQ về văn hóa, giáo dục, kinh tế-xã hội, nhân quyền… Việt Nam đang rất nỗ lực để lần thứ hai ứng cử làm thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ.

Mới đây nhất, từ tháng 6-2014, Việt Nam đã lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Sự tận tâm, trách nhiệm của các sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong Lực lượng giữ gìn hòa bình LHQ ở Nam Sudan, Mali, Trung Phi… được các đồng nghiệp quốc tế và LHQ ghi nhận, đánh giá cao.

Tại Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ ngày 30-5, trước sự chứng kiến của Tổng Thư ký Antonio Guterres, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trịnh trọng cam kết, Việt Nam luôn là một quốc gia thành viên có trách nhiệm của LHQ và cộng đồng quốc tế.