Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM):

Việt Nam đưa ra 4 ưu tiên hợp tác APEC

ANTD.VN - Nhằm cụ thể hóa chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vung đắp tương lai chung”, Việt Nam đã đưa ra 4 ưu tiên chính trong hợp tác APEC. Đây là một trong số những nội dung quan trọng tại Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM) được khai mạc vào sáng ngày 8-12 tại Hà Nội. Hội nghị cũng là hoạt động mở màn cho chuỗi các sự kiện năm APEC 2017 sẽ được Việt Nam đăng cai tổ chức vào năm sau.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định, Việt Nam và các nền kinh tế APEC đang phải đối mặt với không ít thách thức

Với vai trò là nước chủ nhà của APEC 2017 - Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 nhận định những thách thức mà Việt Nam cũng như các nền kinh tế APEC và khu vực phải đối mặt tại Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM).

Trong đó, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu năm 2016 giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng năm 2008-2009, lần lượt đạt 2,2% và 1,7%. Giá nguyên liệu giảm, thương mại toàn cầu và chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế khu vực APEC và toàn cầu.

Trong đó, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng gây quan ngại sâu sắc. Những thành quả của tiến trình toàn cầu hóa không được phân bổ đồng đều giữa các khu vực, các nền kinh tế và cộng đồng dân cư. Những tiến bộ về công nghệ có thể làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế. Ngoài ra, đó  là những thách thức từ cạnh tranh địa chính trị, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng… 

Ý kiến của các đại biểu sẽ được ghi nhận và đưa ra tại Hội nghị APEC 2017

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nhận định, APEC đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc thực hiện các Mục tiêu Bogor - mục tiêu phấn đấu đạt được thương mại, đầu tư tự do và mở cửa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2010 với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 với các nền kinh tế đang phát triển, đảm bảo tăng trưởng chất lượng và liên kết khu vực. Những nỗ lực cải cách APEC cũng chưa được như mong đợi. 

Tại hội nghị, Việt Nam đã đưa ra 4 ưu tiên chính trong hợp tác APEC, đó là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong ngày, đại diện của các nền kinh tế thành viên, Ban Thư ký APEC quốc tế, các quan sát viên của APEC cùng đại diện một số tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)…, các doanh nghiệp, học giả trong nước và nước ngoài đã họp và chia thành 5 phiên thảo luận kín xoay quanh nhiều nội dung như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực cạnh tranh cho khối doanh nghiệp MSMEs…

Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM) là hoạt động mở màn cho các hoạt động năm APEC tại Việt Nam vào năm 2017, với khoảng 20 hội nghị lớn dự kiến được tổ chức ở 8 tỉnh thành phố của Việt Nam. Trong đó, sự kiện lớn nhất đó là Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, các quan chức cao cấp sẽ diễn ra vào tháng 11 tại thành phố Đà Nẵng. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Hà Nội chào đón sự đầu tư của các doanh nghiệp APEC

Trong buổi Đối thoại APEC và doanh nghiệp Việt Nam về năm APEC 2017 được tổ chức vào chiều ngày 8-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương đặc biệt là các thành viên APEC đã có đóng góp rất quan trọng tới tiến trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Tính đến nay, đầu tư trực tiếp của các nền kinh tế APEC vào Hà Nội là trên 3.300 dự án, với tổng số vốn trên 22 tỷ USD. Các dự án này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu và nguồn thu ngân sách của thành phố, tạo ra nhiều việc làm, mà còn cung cấp các sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao, góp phần cải thiện, nâng cao mức sống cho người dân đồng thời tạo điểm nhấn cho diện mạo đô thị hiện đại.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, Thủ đô Hà Nội sẵn sàng chào đón và luôn tạo dựng một môi trường hợp tác cùng phát triển với các doanh nghiệp và hy vọng ngày càng nhiều đối tác APEC xem Hà Nội là điểm đến tin cậy, hợp tác và đầu tư vì sự thịnh vượng chung.