Viễn cảnh Nga trở lại G8

ANTD.VN - Cho dù đã có những tín hiệu “đánh động” để mời Nga trở lại Nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G8), song viễn cảnh này xem ra còn khá “mông lung” khi chính Matxcơva lại tỏ ra không mặn mà với điều này.

Viễn cảnh Nga trở lại G8 ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 trước đây

Cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Romano Prodi trong khi trả lời tờ Messaggero của Italia ngày 5-2 nói rằng: “Italia - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch Nhóm các nước phát triển công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) - nên làm tất cả những gì có thể nhằm khôi phục G8 với sự tham gia của Nga”. Vị chính khách là cựu Chủ tịch EC và cựu Thủ tướng Italia này cho rằng nên khôi phục vị trí của Nga trong G8 trước khi “tân Tổng thống Mỹ Donald Trump làm như vậy”.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà ông Prodi lại “đánh tiếng” bởi ngày 12-1 vừa qua, Ngoại trưởng Italia Angelino Alfano cũng đã không loại trừ khả năng thể thức G8 sẽ được phục hồi thông qua Hội nghị Thượng đỉnh G8 do Rome đăng cai tổ chức. Hội nghị này dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 tới tại thành phố Taormina trên đảo Sicily của Italia. 

Nhóm G8 vốn gồm các nước thuộc G7 là Mỹ, Canada, Nhật Bản, Italia, Pháp, Đức và Anh cùng với Nga khi nước này tham gia vào từ năm 1999. Tuy nhiên, sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine đầu năm 2014, các thành viên G7 đã cùng nhau “loại” Nga khỏi G8 để vừa trừng phạt, đồng thời vừa gây áp lực với Matxcơva trong vấn đề Ukraine.

Thế nhưng, đòn trừng phạt loại Nga khỏi G8 chẳng những không hiệu quả mà còn “lợi bất cập hại” với G7. Nhóm những nước công nghiệp phát triển nhất thế giới này vốn đã xa rời vai trò của một tổ chức hợp tác về kinh tế để trở thành một nhóm quyền lực chính trị và an ninh trên toàn cầu kể từ có sự tham gia của Nga, song điều này liền mờ nhạt ngay khi thiếu vắng sự góp mặt của một cường quốc toàn cầu như Nga.

Trong khi vị thế và vai trò toàn cầu của G7 suy yếu thì Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với sự góp mặt của không chỉ các thành viên G7 mà còn có cả Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… lại chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng. Nhiều vấn đề toàn cầu, từ kinh tế - thương mại, môi trường… cho tới chính trị và an ninh, đều đã được ra bàn thảo và tìm giải pháp tại diễn đàn G20.

Dấu hỏi về vai trò của G7 càng nổi lên khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Tân chủ nhân của Nhà trắng đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm coi trọng vai trò và sự tham gia của của Nga trong việc giải quyết nhiều vấn đề quốc tế trọng yếu hàng đầu.

Nga trở lại G8 tất nhiên giúp nâng cao vị thế và vai trò của cường quốc này, song cũng mang lại điều này cho chính những thành viên còn lại từng “biểu quyết” loại bỏ Matxcơva cách đây gần 3 năm bởi cuộc khủng hoảng Ukraine. Thế nhưng, khi thời thế thay đổi thì người “ra luật chơi” bây giờ không chỉ là G7 mà còn là Nga nữa.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov khi phản ứng về ý kiến ngày 12-1 của Ngoại trưởng Italia đã tuyên bố, Nga không có ý định trở lại thể thức G8. Bởi vậy, dù muốn khôi phục lại G8 với sự tham gia của Nga nhưng ông Prodi cũng phải thừa nhận, đây là một nhiệm vụ không dễ dàng do cần phải hiểu rõ liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có chấp nhận lời mời tham gia trở lại G8 mà không kèm theo điều kiện dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga hay không.