Vì sao Pháp tham gia tấn công Syria ngày 14-4-2018?

ANTD.VN - Một bản cáo cáo của tình báo Pháp về vụ tấn công ngày 7-4-2018 tại Douma vừa được Hãng tin Reuters công bố cho thấy, có những bằng chứng khó chối cãi về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học trong vụ việc này.

 Tên lửa của Mỹ và đồng minh tấn công Syria ngày 14-4-2018

Ngày 14-4-2018, từ Điện Elysee, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định tham gia cùng Mỹ, Anh không kích lãnh thổ Syria. Ông Emmanuel Macron cáo buộc chính quyền Syria đứng sau vụ tấn công nghi là có sử dụng hóa học ở Douma hôm 7-4 làm hơn 40 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em và  hành động của Syria đã vượt quá “giới hạn đỏ” mà Pháp vạch ra hồi tháng 5-2017.

Nước Pháp tin đã xảy ra tấn công hóa học 

Trong bản báo cáo mới được tiết lộ, ngay sau khi vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học xảy ra tại Douma, tình báo Pháp đã thu thập từ nhiều nguồn tin để có thể đi đến kết luận: Thành phố Douma ngày 7-4 đã bị tấn công hóa học. 

Báo cáo nêu rõ, các triệu chứng ghi nhận được từ nạn nhân: “Nghẹt thở, khó thở, nước bọt và dịch mũi tiết ra rất nhiều, tổn thương đường hô hấp, phỏng da và phỏng giác mạc. Không thấy trường hợp nào bị thương do cơ học. Toàn bộ các triệu chứng đều là đặc trưng của việc bị tấn công bằng vũ khí hóa học, đặc biệt là các loại khí gây nghẹt thở, chất hữu cơ có phosphore hay cyanur”.

Theo Báo Le Monde, tổng hợp từ các nguồn khác nhau, Syria và Nga viện cớ “vấn đề an ninh” để ngăn cản các thanh sát viên của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học quốc tế (OPCW) vào Douma. Tuy vậy các “vấn đề an ninh” này không ngăn trở được các nhà báo của Đài Truyền hình Thụy Điển TV4 sau đó đến được hiện trường phỏng vấn cư dân. Một người sống sót cho biết: “Chúng tôi trú ẩn dưới tầng hầm. Vật thể đã rơi trúng tòa nhà vào lúc 19 giờ. Chúng tôi vội chạy ra ngoài, phụ nữ, trẻ em ở lại bên trong. Không ngờ tòa nhà tỏa đầy hơi độc, những ai ở bên trong đều chết cả”.

Một người dân tại khu vực bị tấn công kể với ê-kíp truyền hình Mỹ CBS: “Bỗng dưng khí độc có mùi chlore lan tỏa xung quanh chúng tôi, không thể thở được”. 9 ngày sau vụ tấn công, hình ảnh một trong hai quả bom khí độc rơi trúng nóc tòa nhà mà lực lượng “Mũ Bảo hiểm Trắng” ghi lại bằng máy quay luôn hiện diện trên truyền hình Thụy Điển và truyền hình Mỹ CBS. Một phóng viên Thụy Điển khi vào trong tòa nhà bị trúng quả bom này đã mô tả, ngửi thấy mùi rất nồng nặc, cổ họng bị rát. Trong khi đó, báo chí Nhà nước Syria khẳng định, không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Damas có liên quan.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp nội các quyết định tham gia không kích Syria 

Các căn cứ có xác thực?

Chỉ có một nhóm của quân đội Nga đến Douma chớp nhoáng ngày 9-4 để xem xét một trong hai địa điểm có nhiều nạn nhân nhất. Matxcơva nói rằng đã lấy các mẫu và hôm 11-4 khẳng định không có chất độc nào được sử dụng tại Douma đồng thời kết tội lực lượng Mũ Bảo hiểm Trắng đã dàn dựng vụ tấn công. Đến ngày 14-4, Paris đáp trả: “Sau khi nghiên cứu kỹ các video và hình ảnh các nạn nhân được đưa lên mạng, có thể kết luận với mức tin cậy rất cao rằng hầu hết đều là sự kiện mới xảy ra, không hề bị chỉnh sửa”. 

Vài giờ sau khi liên quân không kích Syria, Chính phủ Pháp công bố bản đánh giá chính thức về vụ tấn công hóa học hôm 7-4-2018. Cũng nhằm chứng minh tính chính đáng của vụ oanh kích, Washington đã công bố bản đánh giá này đêm 13 rạng 14-4. Theo bản đánh giá của Paris: “Từ tài liệu mà tình báo Pháp có được, Pháp cho rằng, một vụ tấn công hóa học vào thường dân tại Douma đã diễn ra hôm 7-4-2018. Không có giả thiết nào khác ngoài việc đây là hành động của quân đội Syria, trong khuôn khổ cuộc tổng tiến công vào Đông Ghouta”.

Các nạn nhân được cho là thiệt mạng trong vụ tấn công hóa học ngày 7-4 tại Douma

Lý giải nguyên nhân

Trong lúc Damascus đang tiến gần đến chiến thắng tại Ghouta sau 8 tuần mở cuộc tấn công, tại sao quân đội Syria lại phải dùng đến vũ khí hóa học? Bản báo cáo mới tiết lộ cho rằng, đó là chiến thuật quân sự của Syria cộng với sự yên tâm sẽ không bị trừng phạt.

Ngày 7-4, các lực lượng của Chính phủ Syria mở đợt không kích suốt 48 tiếng đồng hồ vào Douma, sau 2 tuần lễ tương đối yên tĩnh. Nhưng Damascus muốn kết thúc thủ phủ cuối cùng của quân nổi dậy trong khi đa số lực lượng Jaysh al-Islam (có khoảng 5.000 chiến binh) vẫn luôn từ chối di tản, theo các cuộc thương lượng do Nga bảo trợ vào giữa tháng 3. Đối với Paris, không còn nghi ngờ gì nữa, việc sử dụng vũ khí hóa học là từ chủ trương về quân sự và chiến lược của chính quyền Syria.

Về chiến thuật, sử dụng loại vũ khí này giúp đẩy các chiến binh đối địch ra khỏi nơi trú ẩn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trận đánh trong thành phố. Về chiến lược, mục tiêu chính là trừng phạt các thường dân sống tại những khu vực nổi dậy, gây khủng hoảng và sợ hãi khiến họ phải đầu hàng; chứng tỏ mọi sự chống cự đều vô ích, chuẩn bị cho việc tiêu diệt các ổ kháng cự cuối cùng.

Hai ngày sau khi Douma bị tấn công, việc di tản thường dân được tiến hành trong hỗn loạn và sợ hãi. Nhóm Jaysh al-Islam không còn kiểm soát được tình hình. Các chiến binh phóng hỏa hết các cơ sở và thiết bị của mình, còn các nhà kho thuộc các tổ chức phi chính phủ bị cư dân cướp phá để tìm lương thực. Hãng tin Nhà nước SANA trong cùng ngày cho biết phe nổi dậy vũ trang rốt cuộc đã chấp nhận rời thành phố. Hôm 12-4, quân cảnh Nga được triển khai tại Douma, thành phố coi như đã đầu hàng.

Hình ảnh cắt từ video vụ tấn công hóa học được cơ quan tình báo Pháp phân tích làm căn cứ tấn công Syria

Đâu là sự thật?

Ngày 26-4, hơn 10 nhân chứng từ bệnh viện ở thị trấn Douma, Đông Ghouta, ngoại ô Thủ đô Damascus của Syria đã tham dự cuộc họp báo do Nga tổ chức tại trụ sở của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) ở Hà Lan để nói lên sự thật về đoạn video do tổ chức “Mũ Bảo hiểm Trắng”, hay còn gọi là nhóm Phòng vệ Dân sự Syria, được phương Tây bảo trợ công bố.

Đoạn video này từng được chia sẻ rộng rãi trên mạng, trong đó ghi lại cảnh được cho là các nạn nhân của một vụ tấn công hóa học đang được chữa trị tại Bệnh viện Douma. Chính đoạn video này nằm trong báo cáo của tình báo Pháp và Chính phủ Pháp lấy đó làm lý do cùng với Mỹ tấn công tên lửa vào lãnh thổ Syria.

Các nhân chứng đều khẳng định đoạn video là dàn dựng. Hassan Diab (11 tuổi), nhân vật chính trong đoạn hình ngắn đó nói với các phóng viên: “Chúng cháu đang đứng ở tầng hầm. Chúng cháu nghe thấy tiếng mọi người gào thét rằng nên chạy đến bệnh viện. Chúng cháu chạy qua một đường hầm. Tại bệnh viện họ bắt đầu dội nước lạnh vào người cháu. Cháu không biết tại sao họ làm vậy”.

Ông Aleksandr Shulgin, đại diện thường trực của Nga tại OPCW, gọi kịch bản dàn dựng thô thiển trong đoạn video giả của tổ chức Mũ Bảo hiểm Trắng là hành động khiêu khích “có chủ đích”. Ngày 4-5, các thanh sát viên thuộc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học hoàn tất công việc thu mẫu tại các địa điểm xảy ra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma của Syria.

Các mẫu sẽ được phân tích tại phòng thí nghiệm ở Hà Lan trước khi được chuyển tiếp đến các phòng thí nghiệm quốc gia liên kết để thử nghiệm. Kết quả sắp được công bố. Tuy nhiên, OPCW chỉ có nhiệm vụ xác định liệu vũ khí hóa học có thật sự được sử dụng ở Douma hay không và nếu có thì là loại nào. Họ không bắt buộc phải kết luận bên nào trong cuộc xung đột đã sử dụng chúng.

Cũng như các vụ tấn công bằng hóa học trước đây tại Syria, sự thật về vụ nghi ngờ tấn công sử dụng vũ khí hóa học tại Douma ngày 7-4 có thể sẽ không bao giờ sáng tỏ. Và cho dù sử dụng vũ khí hóa học luôn bị thế giới lên án, các bên tham gia tìm kiếm ảnh hưởng và lợi ích tại Syria vẫn lấy nó làm thứ vũ khí đem lại lợi thế cho phe mình. Có thể việc sử dụng vũ khí hóa học chỉ là cái cớ nhưng thiệt hại thì vẫn chỉ có dân thường Syria phải gánh chịu.