Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ giảm mạnh nhưng vẫn khó lạc quan

ANTD.VN - Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ, số người xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này trong tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong 44 năm trở lại đây. 

Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ giảm mạnh nhưng vẫn khó lạc quan ảnh 1Hội chợ việc làm ở New York, Mỹ 

Số người xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm 22.000 người xuống 222.000 người, mức thấp nhất kể từ tháng 3-1973. Số đơn xin trợ cấp trung bình 4 tuần - một chỉ số ít biến động hơn - giảm 9.500 người xuống 248.250 người, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8 vừa qua. Cũng theo số liệu thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 đã giảm xuống mức 4,2%, mức thấp nhất trong 16 năm trở lại đây. Tỷ lệ này cho thấy chủ sử dụng lao động đã có đủ niềm tin ở khả năng kinh tế để có thể tiếp tục giữ chân người làm công. 

Điều này được coi là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Đây cũng là một tin mừng trong bối cảnh Nhà Trắng phải đối mặt với những chỉ trích về chính sách bị đình trệ và tỷ lệ ủng hộ ở mức thấp lịch sử. Phát biểu sau khi các số liệu trên được công bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Tôi mới chỉ bắt đầu. Việc làm sẽ trở lại Mỹ”. 

Tuy nhiên, các số liệu cho thấy, nếu tính trung bình hàng tháng, số việc làm được tạo ra trong năm 2017 là 185.000 việc, thấp hơn mức ghi nhận trong năm 2016 và thấp hơn nhiều trong năm 2015 và 2014. Cũng theo báo cáo trên, số việc làm mới tăng mạnh trong độ tuổi lao động từ 25-54 tuổi, tăng 251.000 việc làm. Khối nhà hàng đã tạo ra 53.000 chỗ làm mới, và lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thêm 30.000 việc làm. Tuy nhiên, các lĩnh vực quan trọng mà Tổng thống Donald Trump “nhắm” tới là các ngành công nghiệp nặng như xây dựng, sản xuất, vận tải và khai mỏ, không tạo ra việc làm mới trong tháng 9. 

Trong khi đó, nhóm chuyên gia tư vấn Brookings Institution cho biết các số liệu việc làm cho thấy 16 triệu việc làm mới đã được tạo ra trong 17 năm qua, trong khi gấp đôi số này đã mất do suy thoái. Hơn thế, con số này chưa tính đến những thay đổi về dân số, như tỷ lệ tăng trưởng dân số và số người về hưu gia tăng. Vì vậy, bản báo cáo “màu hồng” nói trên liệu đã có thể coi là tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế Mỹ?

Nền kinh tế Mỹ hiện tại có vẻ giống thời điểm cuối năm 1965 khi tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức an toàn 4,2% và tiền lương trung bình không hề thấp. Nhưng những rủi ro thực sự vẫn tồn tại bên trong bề ngoài tưởng chừng hào nhoáng. Giới phân tích cũng nhận định thị trường lao động Mỹ ngày càng được cải thiện có thể làm dấy lên những quan ngại về lạm phát. 

Các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo rằng những tác động của toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số đã phá vỡ quy luật sử dụng lao động, hay theo các học giả, đây chính là nguyên nhân đã xóa bỏ “Đường cong Phillips” (biểu thị quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát hoặc giữa tỷ lệ thất nghiệp và tốc độ tăng trưởng GDP). Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ được kì vọng sẽ giảm xuống dưới 4% một cách an toàn mà không làm giảm mức lương và tăng tỷ lệ lạm phát. Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường Mỹ đang vận động đúng theo hướng này, nghĩa là trái với quy luật của kinh tế học. 

Mặt khác, chính sách hạn chế người nhập cư trong độ tuổi lao động của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phát huy hiệu quả. Nhà tuyển dụng lao động Mỹ chần chừ tuyển lao động mới do sự lựa chọn nhân công nhập cư giá rẻ đến từ Mexico hay các nước châu Á không dễ dàng như trước. Lựa chọn người lao động tay nghề cao lại gắn liền với mức lương trả không thấp. Vì thế, với các ông chủ doanh nghiệp, tuyển dụng lao động hiện đang dậm chân tại chỗ, nghĩa là các công ty có thể không sa thải nhân viên, nhưng cũng không tuyển người thay thế những nhân viên đã bị thôi việc. 

Với phương châm “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Trump đã cam kết tạo ra 25 triệu việc làm mới trong 10 năm và đưa cường quốc này trở lại thời kỳ kinh tế tăng trưởng 4%/năm. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế không mấy lạc quan vào điều này.