Trở thành công dân Mỹ, cha mẹ vợ có làm khó cho Tổng thống Donald Trump?

ANTD.VN - Cha mẹ của Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump vừa chính thức trở thành công dân Mỹ thông qua một quá trình nhập tịch mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng lên án gay gắt và muốn loại bỏ.

Trở thành công dân Mỹ, cha mẹ vợ có làm khó cho Tổng thống Donald Trump? ảnh 1Ông bà Viktor và Amalija Knavs cùng luật sư Michael Wildes (giữa) tới văn phòng Cục Nhập cư và Công dân Mỹ ở New York City ngày 9-8

Ông bà Viktor và Amalija Knavs, cha mẹ của Đệ nhất phu nhân  Melania Trump đã tới Tòa nhà liên bang ở Manhattan, thành phố New York để tuyên thệ trở thành công dân Mỹ.

Khi được hỏi về việc liệu chính sách nhập cư mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump có ảnh hưởng tới cha mẹ vợ của Tổng thống, luật sư của ông bà Viktor và Amalija Knavs, ông Michael Wildes nhấn mạnh: “Họ đã thực hiện một hành trình thuận lợi như những người khác để được cấp quốc tịch. Những cánh cửa ở Mỹ vẫn để ngỏ cho những người tốt như họ có ngày tuyệt vời hôm nay. Chúng tôi cảm ơn sự quan tâm của mọi người. Đây là một ví dụ về quá trình nhập cư đi đúng hướng”.

Ông Knavs, 74 tuổi, từng là nhân viên đại lý bán xe ô tô, còn vợ ông, bà Amalija, 73 tuổi, làm việc tại một nhà máy dệt ở Slovenia. Đệ nhất phu nhân Melania sinh ra và lớn lên ở thị trấn Sevnica thuộc Slovenia cùng cha mẹ. Đến năm 1996, bà Melania tới Mỹ khi nhận được học bổng Einstein dành cho “những cá nhân xuất sắc”, sau đó định cư ở New York. Bà trở thành công dân Mỹ năm 2006 sau khi kết hôn với tỷ phú Donald Trump.

Cha mẹ bà sau đó chuyển tới Mỹ cư trú với thẻ xanh hợp pháp dưới sự bảo lãnh của con gái, đồng nghĩa với việc họ có quyền sống, làm việc ở Mỹ vô thời hạn và sẽ được nhập tịch khi nào có đủ điều kiện. 

Trong khi đó, ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã tìm cách loại bỏ hình thức di cư theo dạng bảo lãnh gia đình và thay thế bằng một dự luật nhập cư, trong đó có việc siết chặt an ninh khu vực biên giới, chấm dứt dòng người di cư và ngăn chặn nhập cư trái phép, đặc biệt từ khu vực Mỹ- Latinh bằng kế hoạch xây bức tường biên giới khổng lồ dài 3000km với Mexico; siết chặt tình trạng người nhập cư đưa người thân vào Mỹ, hay còn gọi là “di cư dây chuyền” và sớm chấm dứt một hệ thống xổ số cho phép một chương trình cấp visa định cư (thẻ xanh) chọn ngẫu nhiên 55.000 người nhập cư nước ngoài mỗi năm.

Dự luật còn ngăn chặn thế hệ “Dreamer” (Giấc mơ Mỹ) - những người nhập cư được bố mẹ đưa vào Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ và được phép ở lại theo “Chương trình Trì hoãn hành động đối với người nhập cư tới Mỹ khi còn nhỏ” (DACA) của cựu Tổng thống Barack Obama - thực hiện các thủ tục xin quốc tịch Mỹ. Mới đây nhất, Tổng thống Trump còn ký sắc lệnh yêu cầu cơ quan thực thi pháp luật Mỹ bắt giam tất cả những người nhập cư bất hợp pháp cùng gia đình và con cái họ trong tiến trình tố tụng hình sự đối với hành vi nhập cư không phù hợp vào nước này. 

Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà lập pháp lưỡng đảng Mỹ vẫn không thể đạt được sự đồng thuận trong việc thông qua dự luật gây nhiều tranh cãi và từng làm bùng phát các cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn nước Mỹ nhằm phản đối cái gọi là “Đạo luật bảo vệ tương lai nước Mỹ” này. 

Hiện, dòng Twitter của Tổng thống Donald Trump lại “im hơi lặng tiếng” trước câu chuyện của báo chí, trong khi trước đây, Tổng thống Donald Trump từng bình luận gay gắt về chính sách nhập cư của Chính phủ tiền nhiệm rằng: “Di cư dây chuyền phải chấm dứt ngay lập tức. Một số người tới Mỹ định cư và kéo theo ồ ạt những người thân của họ, trong đó có cả những kẻ thực sự xấu xa, nguy hiểm. Điều này là không thể chấp nhận được!”.