"Trò chơi thách đố"

ANTD.VN - Việc Anh dự kiến sẽ cho các máy bay chiến đấu bay qua các khu vực tranh chấp trên Biển Đông cho thấy tự do hàng không trên vùng biển này đang trở thành mối quan tâm với nhiều nước.  

Máy bay chiến đấu Typhoon của Anh sắp bay trên Biển Đông 

Nói chuyện với một nhóm nghiên cứu ở Washington, Đại sứ Anh tại Mỹ K. Darroch cho biết các máy bay chiến đấu Typhoon của Anh đến Nhật Bản hồi tháng 10 để tham gia các cuộc diễn tập với lực lượng Nhật Bản sẽ bay qua các khu vực tranh chấp ở Biển Đông để khẳng định quyền hàng không quốc tế trên những khu vực này, song chưa đưa ra thời điểm cụ thể. 

Lâu nay, Mỹ là nước thường xuyên tiến hành các chuyến bay tuần tra trên Biển Đông tại các khu vực mà Mỹ tuyên bố thuộc không phận quốc tế. Cuối năm ngoái, 2 máy bay ném bom B-52 tầm xa của Mỹ cất cánh từ sân bay Guam còn tiến gần đến các cơ sở Trung Quốc xây dựng trái phép ở Đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa.

Mỹ cũng đã điều các máy bay tuần tra quanh bãi cạn Scarborough đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Cùng với Mỹ, Australia cũng thường xuyên tiến hành các chuyến bay tuần tra trên Biển Đông.

Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy nhanh việc bồi đắp đảo, đá và xây dựng trên một số thực thể ở Biển Đông, dư luận quốc tế không khỏi lo ngại khả năng Bắc Kinh sẽ thiết lập các Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Về bản chất, thiết lập ADIZ là nhằm tăng cường theo dõi, phát hiện và cảnh báo sớm các nguy cơ đối với an ninh quốc gia, ý đồ xâm nhập bất hợp pháp không phận. Trong điều kiện chiến tranh, khủng bố, có mối đe dọa an ninh quốc gia, thiết lập ADIZ là việc làm cần thiết để giảm thiểu rủi ro an ninh.

Tuy nhiên, lợi dụng ADIZ để áp đặt yêu sách lại là chuyện hoàn toàn khác. Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng, một khi thiết lập ADIZ, Trung Quốc sẽ tranh thủ để được công nhận chủ quyền hay nói cách khác là lợi dụng vấn đề này để lồng vào quan điểm về chủ quyền của Bắc Kinh.

Ví dụ, những quy định của Trung Quốc đưa ra là máy bay của các nước khi bay qua vùng không phận đã được thiết lập ADIZ sẽ phải thông báo hoặc xin phép Trung Quốc, cũng có nghĩa là đã công nhận vùng không phận đó thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Việc Mỹ, Australia thường xuyên tiến hành các chuyến bay tuần tra trên Biển Đông và bây giờ là dự kiến của Anh sẽ cho các máy bay chiến đấu bay qua các khu vực tranh chấp trên Biển Đông là cách thức nhằm khẳng định cam kết đảm bảo tự do hàng hải và hàng không của các nước này, cũng như ngăn chặn khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông.

Chính phủ Pháp cũng đang hối thúc 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) phối hợp cùng nhau trong việc tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông, đồng thời khẳng định Pháp sẽ tiếp tục cho tàu hải quân và máy bay tới bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép.

Tất nhiên, những tuyên bố cũng như hành động của Mỹ, Australia, Anh, Pháp không làm Trung Quốc hài lòng. Trên thực tế, Bắc Kinh đã tăng cường các chuyến tuần tra trên không và trên biển ở Biển Đông. Những vụ “chạm trán” giữa máy bay và tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc vì thế thường xuyên xảy ra.

Thậm chí, tháng 5 vừa qua, máy bay chiến đấu của Trung Quốc còn chặn một máy bay trinh sát của Mỹ trên Biển Đông. Theo nhận định của ông T. Kotani, nghiên cứu viên cao cấp, Học viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản (JIIA), đây là một dạng “trò chơi thách đố” trên Biển Đông, trong đó bên nào cảm thấy yếu thế hơn sẽ phải ngừng lại. Trong tình hình hiện nay, “trò chơi” đó sẽ còn tiếp diễn.