Tranh cãi quanh cáo buộc Tập đoàn Apple trốn thuế "khủng" 14,5 tỷ USD

ANTD.VN - Ủy ban châu Âu (EC) cáo buộc Tập đoàn Apple đã nhận được những ưu đãi bất hợp pháp trong việc nộp thuế tại Ireland và yêu cầu Ireland phải thu 14,5 tỷ USD tiền thuế từ Apple. Apple cho biết sẽ kháng cáo quyết định trên.

Bà Margrethe Vestager - người đã mất 3 năm điều tra ra cáo buộc Apple trốn 14,5 tỷ USD tiền thuế

Thuế không tương xứng với lợi nhuận khổng lồ

Theo EC, Chính phủ Ireland cho phép mức thuế tối đa mà Apple phải trả là 1%, trong khi mức thuế cơ bản cho các tập đoàn ở nước này là 12,5%. Tuy nhiên theo báo cáo năm 2014, Apple cũng mới chỉ nộp 0,005% tiền thuế. Bà Margrethe Vestager - Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh châu Âu - người đã mất 3 năm để điều tra hành vi trốn thuế phức tạp của Apple cho biết: “Các nước thành viên không được phép đưa ra những ưu đãi thuế cho một tập đoàn cụ thể nào - điều này là trái với luật viện trợ của Liên minh châu Âu”. 

EC cho rằng, thỏa thuận về thuế giữa Apple và Ireland từ năm 1991 - 2015 đã cho phép Apple khai báo lợi nhuận từ 2 công ty con thuộc Ireland là Apple Sales International và Apple Operations Europe. Điều này dẫn đến việc Apple chỉ phải trả thuế ở Ireland thay vì ở cả những nơi mà sản phẩm của hãng này được bán ra.

Từ đó, khoản lợi nhuận có thể đánh thuế được của Apple là ít hơn và không tương xứng với lợi nhuận khổng lồ của công ty này. Bà Vestager cho biết: “Cuộc điều tra của EC kết luận rằng Ireland đã trao cho Apple các lợi ích về thuế một cách bất hợp pháp, cho phép công ty này trả thuế ít hơn một cách đáng kể so với các doanh nghiệp khác trong nhiều năm qua”. 

Phản ứng lại cáo buộc của Ủy ban châu Âu

Phán quyết của EC đã gặp phải phản ứng dữ dội từ phía Tập đoàn Apple và Ireland, đồng thời cũng châm ngòi cho cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Bộ Tài chính Mỹ cho rằng “phán quyết này sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần hợp tác kinh tế giữa Mỹ và EU”. Còn Giám đốc tài chính của Apple Luca Maestri công khai chỉ trích các mức thuế suất có hiệu lực được trích dẫn bởi bà Vestager là “một số hoàn toàn bịa đặt”.

Trong thư gửi tới các khách hàng của mình, Giám đốc điều hành Apple - ông Tim Cook cho rằng: “Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp nhằm vào Apple, phán quyết này còn có những ảnh hưởng nguy hại đến việc đầu tư và tạo việc làm ở châu Âu. Áp dụng lý thuyết của EC thì giờ đây mọi công ty ở Ireland và trên toàn châu Âu đang đứng trước nguy cơ phải nộp những khoản thuế theo một điều luật mà chưa bao giờ tồn tại. EC đang cố viết lại lịch sử của Apple tại lục địa này, lờ đi các luật thuế của Ireland và làm đảo lộn hệ thống thuế quốc tế”. 

Trong khi đó, Chính phủ Ireland cũng không đồng tình với phán quyết này, bởi họ vẫn muốn duy trì là một nước có hàng rào thuế quan thấp để thu hút đầu tư. Trả lời Reuters, Bộ trưởng Tài chính Ireland Michael Noonan cho biết, “Quyết định này khiến chúng tôi phải tìm đến sự đồng thuận từ Chính phủ. Điều này là cần thiết để đảm bảo tính nguyên vẹn của hệ thống thuế, đảm bảo cho các doanh nghiệp, cũng như chống lại sự áp đặt các luật lệ EU vào bộ luật thuế của các thành viên”.

Không để các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế

Phán quyết này cũng gặp các phản ứng trái chiều trong giới chuyên gia. Giáo sư Louise Gracia của trường kinh doanh Đại học Warwick cho biết: “Quyết định này là một nỗ lực nghiêm túc giảm bớt việc các tập đoàn đa quốc gia lớn trốn thuế, và là một cảnh báo cho các nước tạo điều kiện cho việc trốn thuế của các công ty này.” Ông Toby Quantrill, cố vấn chính Christian Aid nhận xét một cách công bằng trên quan điểm kinh tế: “Số tiền thuế ưu đãi ở đây là minh chứng cho thấy hàng triệu người dân đang phải gồng mình trả thuế cao hơn để gánh lấy phần thuế ưu đãi cho các tập đoàn đa quốc gia”.

Trước cáo buộc này, cổ phiếu của Apple vẫn không có dấu hiệu giảm giá. Ông Gene Munster, nhà phân tích tại Piper Jaffray cho rằng, 14,5 tỷ USD không phải là một con số lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia lớn như Apple, nó chỉ là một con số nhỏ trong tổng giá trị cổ phiếu của Apple.