Tổng thống Nga Putin: "Tôi không có ý định gia hạn quyền lực"

ANTD.VN - Hôm qua 4-2, tại một cuộc họp ở Cherepovets, Tổng thống Nga Putin khẳng định lại rằng việc thay đổi Hiến pháp không phải để ông gia hạn quyền lực của mình mà để đảm bảo một hệ thống chính phủ thống nhất và hiệu quả.

Ông Putin cũng chỉ ra rằng, những thay đổi sẽ được đưa ra trong một cuộc trưng cầu công khai, thay vì chỉ đơn giản là đẩy qua Quốc hội, điều mà Tổng thống có thể dễ dàng thực hiện với đa số ghế thuộc về đảng cầm quyền của Liên bang Nga.

Nhà lãnh đạo Nga đã đệ trình bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi tới Duma Quốc gia vào tháng trước. Ông nói rằng kế hoạch sửa đổi sẽ mất hơn 3 tháng. “Những sửa đổi mà tôi đã đề xuất, chỉ đơn giản là do kinh nghiệm cuộc sống. Trong thời gian tôi làm Tổng thống và Thủ tướng, rõ ràng có một số điều “không đi đúng hướng, ví dụ như lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hệ thống giáo dục”.

Tổng thống Putin nói thêm, bản Hiến pháp Nga kể từ khi được thông qua đã được sửa đổi 15 lần. Những gì đang được đề xuất hiện giờ không có gì bất thường.

Mặc dù ông Putin khẳng định không đề xuất để gia hạn quyền lực, một số học giả vẫn còn hoài nghi. “Tôi cảm thấy khó tin rằng những đề xuất thay đổi Hiến pháp không liên quan gì đến kế hoạch của Putin sau năm 2024”, ông Alexander Titov thuộc Đại học Queen ở Belfast nói. “Có lẽ ông Putin thực sự tin rằng việc tập trung quá nhiều quyền lực vào Văn phòng Tổng thống là không tốt nếu lãnh đạo cao nhất không phải là ông. Do đó, nếu Nga có sự phân tán quyền lực nhiều hơn, đó có thể là một bước đi đúng hướng, thậm chí để bảo tồn quyền lực của Putin lâu hơn trong một khả năng khác”.

Vào ngày 15-1, Tổng thống Putin gây bất ngờ khi đề xuất thay đổi Hiến pháp trong Thông điệp Liên bang. Một tuần sau, ông khẳng định với các sinh viên ở Sochi rằng Nga phải là một nước cộng hòa Tổng thống mạnh mẽ, bác bỏ mô hình cố vấn cấp cao kiểu nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu ở Singapore vì Tổng thống Putin cho rằng, việc tồn tại 2 trung tâm quyền lực sẽ “gây họa” cho nước Nga.