"Thuốc thử liều cao" với quan hệ Mỹ - Triều Tiên

ANTD.VN - Tiến trình đối thoại và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên được xem gặp “thuốc thử” liều cao khi tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo yêu cầu Bình Nhưỡng “từ bỏ chương trình vũ khí ngay lập tức”.

"Thuốc thử liều cao" với quan hệ Mỹ - Triều Tiên ảnh 1Tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm bí mật tới Triều Tiên cuối tháng 4 vừa qua khi còn trên cương vị Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) 

Đáng chú ý, yêu cầu khá thẳng thắn và trực diện nêu trên được tân Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu ra khi phát biểu nhậm chức tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington ngày 2-5 với sự tham dự của Tổng thống Donald Trump.

Vừa chính thức “cầm lái con thuyền” chính sách đối ngoại của Mỹ, ông Mike Pompeo đã yêu cầu: “Chúng tôi cam kết đạt mục tiêu Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, đồng thời cần phải làm việc này ngay lập tức, không trì hoãn”.    

Chính vì thế, yêu cầu của tân Ngoại trưởng Mike Pompeo có thể hiểu chính là đòi hỏi của Tổng thống Donald Trump trong chính sách đối ngoại với Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump hiện đang lên kế hoạch về cuộc gặp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa một Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên.

Đương nhiên, nội dung quan trọng nhất, bao trùm lên cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kế hoạch diễn ra vài tuần tới là chương trình phát triển hạt nhân cũng như tên lửa gây tranh cãi của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, việc từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt này theo lộ trình bình thường hóa quan hệ Triều Tiên - Mỹ và từ bỏ ngay lập tức là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Có thể nói Triều Tiên đã chấp nhận trả những cái giá vô cùng đắt để phát triển đồng thời chương trình hạt nhân và tên lửa thời gian dài vừa qua. Cùng với việc huy động một nguồn lực lớn của đất nước, Triều Tiên còn phải hứng chịu hết lệnh cấm vận này tới lệnh trừng phạt khác của quốc tế để theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.

Đổi lại, Triều Tiên đã gặt hái được thành quả đầy ấn tượng, khiến thế giới phải bất ngờ. Tới trước cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều lịch sử giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27-4 vừa qua tại làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm), Triều Tiên có thể nói đã làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khi thử thành công tên lửa ICBM có tầm bắn tới 13.000km cũng như công nghệ thu gọn đầu đạn hạt nhân lắp vào tên lửa ICBM.

Tóm lại, Triều Tiên đã trả những cái giá rất đắt để trở thành một trong số ít cường quốc hạt nhân của thế giới. Nay, để “từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt một cách hoàn toàn và ngay lập tức” theo đòi hỏi của Washington, Triều Tiên chắc chắn cũng phải yêu cầu thứ nhận trở lại phải lớn hơn cái giá đã bỏ ra rất nhiều.

Thứ mà Bình Nhưỡng muốn nhận để từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa là gì? Là hòa giải và chung sống hòa bình với Hàn Quốc; là bình thường hóa quan hệ và lợi ích kinh tế từ Mỹ, cộng đồng quốc tế…? Lúc này, chưa ai biết thứ mà Triều Tiên nhận để thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là gì bởi Bình Nhưỡng chưa chính thức  “ra giá” cho vấn đề này.

Phát ngôn viên Chính phủ Hàn Quốc cho biết trong cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có nói rằng ông sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Mỹ nhất trí chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và cam kết không xâm lược nước này.

Nhật báo Asahi Shimbun của Nhật Bản ngày 3-5 đưa tin Triều Tiên cũng đã nhất trí tiêu hủy (ICBM) và cho phép các thanh sát viên tiếp cận kho hạt nhân của nước này. 

Tuy nhiên, Triều Tiên chưa chính thức lên tiếng về vấn đề này. Bởi vậy, tiến trình hòa dịu và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể xác định một cách rõ ràng hơn trong cuộc gặp đang được lên kế hoạch giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.