Thế giằng co sau phán quyết chống sắc lệnh Tổng thống Mỹ

ANTD.VN - Bất đồng xung quanh sắc lệnh  hạn chế nhập cư được Tổng thống Donald Trump ký hôm 27-1 đã lên đến đỉnh điểm khi Tòa phúc thẩm Mỹ khu vực số 9 hôm 9-2 bác yêu cầu khôi phục lệnh cấm nhập cảnh này. Trong khi đó, người nhập cư đang từng giờ từng phút tranh thủ cơ hội để vào Mỹ. 

Trong diễn biến mới nhất, Tòa phúc thẩm Mỹ khu vực số 9 hôm 9-2 bác yêu cầu khôi phục lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump sau khi lắng nghe các giải trình. Theo giới quan sát, có khả năng chính quyền của ông Trump sẽ kháng án lên đến Tòa án tối cao.

Thế giằng co sau phán quyết chống sắc lệnh Tổng thống Mỹ ảnh 1Biểu tình chống sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump

Đảo ngược lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump

Mọi việc khởi đầu từ hôm 3-2 khi thẩm phán liên bang James Robart ở Seattle xem xét đơn kiện của chính quyền Washington và đã ra quyết định bãi bỏ lệnh cấm nhập cư của ông Trump, cấm chính quyền thực thi lệnh này. Theo ông Robart, sắc lệnh của ông Trump gây khó khăn cho bang Washington về nhiều mặt, bao gồm việc làm, giáo dục, kinh doanh, gia đình cũng như quyền tự do đi lại. Bang Washington đã lập tức thực hiện việc chống sắc lệnh, sau đó bang Minnesota cũng áp dụng.

Về mặt pháp lý, quyết định này dỡ bỏ lệnh cấm nhập cư tạm thời của Tổng thống Trump trên toàn quốc và có hiệu lực ngay lập tức. Điều này mở ra cơ hội đi lại của công dân 7 nước gồm Syria, Iran, Iraq, Libya, Sudan, Yemen và Somalia nằm trong diện bị hạn chế nhập cảnh.  Thực tế, sau khi ông Trump ký sắc lệnh nêu trên, một làn sóng phản kháng đã dấy lên  cả trong và ngoài nước Mỹ. Trong khi đó, Bộ Tư pháp ngày 4-2 gửi đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang Mỹ Khu vực số 9 để yêu cầu đảo ngược phán quyết của ông Robart.

Phản ứng về việc này, trên Twitter, ông Trump cho rằng, phán quyết của thẩm phán Robart chẳng khác nào việc ủng hộ “bất cứ ai, kể cả những kẻ có ý đồ xấu, có thể xâm nhập nước Mỹ”. Tuy nhiên, theo Viện nghiên cứu New America, tất cả thủ phạm của các vụ tấn công khủng bố do ảnh hưởng của Hồi giáo cực đoan ở Mỹ kể từ vụ 11-9-2001 đều là công dân Mỹ hoặc người cư trú hợp pháp ở nước này. Không một đối tượng nào là người nhập cư hay từ số quốc gia được nêu trong sắc lệnh của ông Trump. 

Chưa có hồi kết

Ngay sau khi thẩm phán Robart bãi bỏ lệnh cấm của ông Trump, người tị nạn và hàng nghìn người từ 7 nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - lẽ ra phải dừng chuyến đi của họ sang Mỹ thì họ đã ồ ạt tìm chuyến bay để nhanh chóng vào Mỹ. Theo ghi nhận của truyền thông hôm 4-2, cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đã cho phép người bị cấm nhập cư lên máy bay, Reuters cho biết. 

Theo đó, một số báo cáo cho biết CBP gửi thông báo cho các hãng hàng không của nước này rằng họ có thể cho những du khách nằm trong diện bị cấm theo sắc lệnh của ông Trump lên máy bay. Đây là những khách du lịch bị chặn lại từ khi sắc lệnh có hiệu lực tuần trước. Tuy nhiên, tại sân bay quốc tế San Francisco, giám đốc phụ trách cho hay các quan chức ở nơi này chưa nhận được chỉ thị của chính quyền. Người này nói: “Chúng tôi đang đợi và tìm hiểu xem lệnh sẽ thay đổi như thế nào. Mọi người vẫn đang đến và đi, hy vọng mọi thứ sẽ tốt cho tất cả”.

Trong khi đó, các công ty công nghệ lớn bao gồm Apple, Google và Microsoft cùng gần 100 công ty khác ngày 5-2 đã đệ đơn kiện lệnh cấm di cư của ông Trump và cho rằng sắc lệnh đã gây ra nhiều tổn thất đáng kể đối với các công ty Mỹ. Đơn của các công ty này cho rằng “người nhập cư hoặc con em họ đã thành lập hơn 200 trên tổng số 500 công ty lớn nhất nước Mỹ”.

Những người phản đối sắc lệnh cho rằng văn bản này mang tính chất phân biệt đối xử, không có ích và đáng nghi ngờ về mặt pháp lý. Nước Mỹ đang chờ đợi các diễn biến tiếp theo của vụ kiện này. Lệnh cấm nhập cư nếu được khôi phục có thể sẽ tiếp tục gây rối loạn ở các sân bay Mỹ. Biểu tình quy mô lớn vẫn tiếp tục diễn ra trong nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới để phản đối lệnh cấm.

Nếu quyết định của thẩm phán Robart tạo ra hy vọng cho nhiều người còn đang mắc kẹt ở các sân bay quốc tế Mỹ, phản ứng của Nhà Trắng sẽ khiến tình hình tiếp tục rối ren.