"Thách thức Cá voi xanh" -Trò chơi trực tuyến hủy hoại giới trẻ

ANTD.VN - Thiếu niên Manjo C Manu (16 tuổi), ở Thiruvananthapuram, bang Kerala, Ấn Độ được tìm thấy trong tình trạng treo cổ lên quạt trần nhà mình ngày 26-7. Như lời mẹ cậu bé thì con trai bà chết vì theo đuổi trò chơi trực tuyến mang tên “Thách thức Cá voi xanh”. 

“Con trai tôi nói rằng tình cờ xem qua trò chơi này vào tháng 11 năm ngoái. Nó bắt đầu có những hành vi kỳ lạ, hay ra nghĩa địa ngồi vào ban đêm và một lần cố tình nhảy xuống sông”, mẹ Manjo C Manu nói. Nếu cảnh sát khẳng định “Thử thách Cá voi xanh” liên quan đến cái chết của Manjo thì đây có thể là nạn nhân đầu tiên của trò chơi trực tuyến này ở Ấn Độ. 

Mất mạng vì trò chơi “ảo”

“Thử thách Cá voi xanh” là trò chơi khiêu khích người chơi thực hiện những hành vi táo bạo nhằm tự hủy hoại bản thân trong vòng 50 ngày như cắt cổ tay, xem phim kinh dị vào ban đêm…. trước khi bước vào vòng “chiến thắng” là tự tử. Người chơi được yêu cầu quay phim và chia sẻ hình ảnh sau khi kết thúc mỗi cấp độ làm bằng chứng.

Tờ Hindustimes cho biết, một số học sinh trung học ở Mumbai, Pune, Indore và Dehradun (Ấn Độ) theo hướng dẫn của trò chơi đã tử tự hoặc được cứu sống trước khi họ nhảy từ tầng cao. Cụ thể, ở Tây Bengal, một học sinh lớp 10 đã chết vì ngạt thở sau khi trùm một túi nilon qua đầu và buộc chặt chiếc túi ở cổ trong phòng tắm. Mới tuần trước, một cậu bé 14 tuổi ở Mumbai đã nhảy từ tầng 5 của một tòa nhà và cũng không qua khỏi. Nam sinh lớp 9 này biết đến trò chơi qua mạng xã hội. Bạn bè của cậu cho biết, khi nghe cậu bé kể về thử thách cuối cùng, họ cứ nghĩ rằng chỉ là đùa, cho đến khi không thấy bạn mình đến trường nữa.

 Khởi phát từ nước Nga, “Thử thách Cá voi xanh” đang “săn tìm” những thanh thiếu niên dễ bị tổn thương trên toàn thế giới. Thậm chí, nó đã cướp đi sinh mạng của hơn 130 thiếu niên ở Nga và ở Anh từ năm 2013 đến nay. Gần đây, tác giả của trò chơi (người Nga) đã bị kết án 3 năm tù về hành vi tìm kiếm và xúi giục trẻ vị thành niên trên Internet vượt qua những thách thức mà kết thúc là màn tự tử. 

Giới trẻ rất dễ tổn thương

Nhưng điều gì khiến trò chơi này biến trẻ vị thành niên trở thành những người rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương? Tờ Times of India trích lời ông Samir Parikh, chuyên gia sức khỏe tâm thần và khoa học hành vi, Bệnh viện Fortis có trụ sở ở New Delhi, Ấn Độ giải thích: “Ở lứa tuổi của mình, thanh thiếu niên nào hầu như cũng trải qua cuộc đấu tranh tâm lý để khẳng định mình khi đặt ra những câu hỏi như: “Tôi là ai? Mọi người có thích tôi không?”.

Nếu hoàn thành các thử thách trong các trò chơi như vậy, họ sẽ có động lực để tự tin hơn. Nhưng các em quên rằng cái thứ tạo ra hormone adrenaline giúp đối mặt với nguy hiểm đó có thể cướp đi cuộc sống của chính mình”.

TS. Frances Jensen, nhà thần kinh học cho biết, não thiếu niên có 80% cấu trúc và chức năng của não người lớn, tuy nhiên có thể ví như một lái xe có thể điều khiển xe nhưng không biết sử dụng phanh như thế nào. “Nhiều thanh thiếu niên phàn nàn với tôi về sự cô đơn, rằng bố mẹ các em quá bận rộn hoặc các em không có bạn bè. Gần đây, một cậu bé 16 tuổi nói với tôi rằng em không muốn sống nữa vì chẳng ai thích mình. Đây là những đứa trẻ đang tìm kiếm “cái chết không đau đớn” trên Google, tìm đến các diễn đàn tự tử. Điều này cực kỳ quan trọng buộc các bậc phụ huynh phải chú ý đến con cái họ”, TS. Frances Jensen nói.

Bởi vậy, các bậc cha mẹ được khuyến cáo hãy quan tâm hơn đến con cái, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên bằng cách chia sẻ tâm sự nhiều hơn, tránh quở trách khiến con trẻ bị tổn thương hoặc sống khép kín và quan trọng hơn cả là để mắt đến hoạt động trên internet của trẻ. Hiện nay, qua phương tiện truyền thông, trẻ sớm được tiếp xúc với bạo lực, tình trạng bắt nạt, ma túy, rượu, tình dục… nhưng nếu được cha mẹ chỉ bảo, các em sẽ chủ động hơn trong sàng lọc các mối đe dọa từ thế giới “ảo”.

Không chỉ Ấn Độ mà ở nhiều quốc gia, ngày càng có thêm nhiều lời kêu gọi hối thúc Chính phủ yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ Internet như Google, Facebook, WhatsApp, Instagram, Microsoft và Yahoo loại bỏ ngay lập tức các liên kết với trò “Thách thức Cá voi xanh” và những trò chơi nguy hiểm tương tự.