Sự thật khó tin về cuộc nội chiến ở Nam Sudan

ANTĐ - Binh lính ở Nam Sudan được cho phép cưỡng bức và nô dịch phụ nữ thay vì được trả lương. Thực trạng này được nêu trong báo cáo của Liên hợp quốc công bố hôm 14-3 là một trong số hiện tượng vi phạm nhân quyền bẩn thỉu nhất và khó có thể tưởng tượng nổi.

Sự thật khó tin về cuộc nội chiến ở Nam Sudan ảnh 1Rời khỏi khu trại tị nạn đi kiếm củi, nhiều phụ nữ ở Bentiu phải đối mặt với những mối nguy hiểm chết người

Phụ nữ trở thành “mồi ngon”

Trong một chiếc lều ở Trại bảo vệ dân thường Bentiu, phía bắc Nam Sudan - nơi có tới 120.000 người trú ngụ - bà Elizabeth, một phụ nữ trung tuổi tâm sự: “Bạo lực tình dục đang là mối họa cho phụ nữ thời nội chiến. Binh lính ở đây có thể làm bất cứ điều gì họ muốn bởi nữ giới chúng tôi rất yếu thế trong cộng đồng”. 

Bà Elizabeth nhận được túi thức ăn miễn phí từ Chương trình Lương thực thế giới, nhưng không có ga để nấu. Vì vậy, giống như hầu hết phụ nữ khác sống trong trại này, mỗi tuần bà phải vào rừng vài lần, mỗi lần mất 5 tiếng đồng hồ đi bộ để kiếm củi. Cảnh tượng thường thấy nhất ở khu trại này là từng đoàn phụ nữ trong những trang phục đầy màu sắc chất những bó củi quá khổ trên đầu.

Những đoàn phụ nữ đó luôn là mục tiêu ưa thích của những nhóm binh lính, bao gồm cả phía quân đội của Chính phủ lẫn các đội quân đối lập. Tại thị trấn Bentiu, khi một đội quân chiếm được quyền kiểm soát, những binh lính đối địch bỏ chạy trước, để lại phụ nữ, trẻ em phải tự lo cho bản thân mình. Phụ nữ không có khả năng tự vệ trở thành “mồi ngon” cho đám binh sỹ vừa chiến thắng. Tháng 6 năm ngoái, bà Elizzabeth cùng với 6 phụ nữ khác đang trên đường về sau khi kiếm củi thì một nhóm quân lính phát hiện được họ. Nhóm phụ nữ mạnh ai nấy chạy. Lúc ấy, bà Elizabeth đột nhiên trượt chân và ngã. “Thấy tôi già, bọn họ đuổi theo những cô gái trẻ. Thấy vậy, tôi vội trốn trong bụi rậm”.

Cả đêm hôm ấy, bà Elizabeth cứ ngồi thu lu trong bóng tối, đầu gối tê mỏi và hy vọng sẽ sống sót. Sáng hôm sau, bà tìm đường về. Nhưng những phụ nữ khác không may mắn như bà. Cô gái trẻ bị bọn lính truy đuổi đã bị cưỡng hiếp rồi giết chết. Một người khác bị hãm hiếp nhưng đã trốn thoát. “Thật khủng khiếp, tôi không nghĩ mình sẽ trở về lành lặn”, bà nói.

Sự thật khó tin về cuộc nội chiến ở Nam Sudan ảnh 2

Bạo lực tình dục là vũ khí chiến tranh

Tại bang Unity, nơi bà Elizabeth sống, chỉ trong 5 tháng đã có hơn 1.300 báo cáo về việc phụ nữ bị bạo hành, ngay cả bé gái 5 tuổi cũng bị hãm hiếp. Thậm chí những khu vực dành cho người tị nạn có sự bảo trợ của Liên hợp quốc cũng không có gì đảm bảo an toàn. Nhiều người đã cảm thấy sốc sau khi một báo cáo từ Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền chỉ ra quy mô và mức độ đáng sợ của tình trạng bóc lột phụ nữ trong cuộc nội chiến ở Nam Sudan.

 Bản báo cáo nói rằng, cả Chính phủ Nam Sudan do Tổng thống Salva Kiir lãnh đạo lẫn phe đối lập do Phó Chủ tịch Riek Machar đứng đầu đã gây ra bạo lực với dân thường một cách có hệ thống. Hơn ai hết, nạn nhân của cuộc chiến này chính là phụ nữ. Họ chính là mục tiêu của binh lính vốn coi bạo lực tình dục như một công cụ đàn áp và hình thức trả công cho việc tham gia chiến đấu. “Đây là một trong những tình huống vi phạm nhân quyền khủng khiếp nhất thế giới. Hãm hiếp trở thành công cụ của khủng bố và vũ khí chiến tranh”, Cao ủy LHQ về nhân quyền Zeid Ra`ad Al Hussein nói.

Cũng trong tài liệu của Liên hợp quốc, có trường hợp một người mẹ gửi lại 4 đứa con cho hàng xóm để đi lấy nước. Khi trở về, cô thấy cô con gái 6 tuổi của mình đã bị bắn chết. Hàng xóm của cô giải thích rằng, một trong các binh lính thuộc Quân đội giải phóng nhân dân Sudan thấy cô bé xinh xắn nên đã đòi đưa đi, nhưng đồng đội của anh ta cho rằng đó chỉ là đứa trẻ. Trong lúc nhóm binh lính này cãi nhau, cô bé 6 tuổi đã bị trúng đạn rồi chết.

Mới đây, có lần Elizabeth định đi lấy củi, nhưng linh tính có chuyện chẳng lành. Bà nói với nhóm bạn rằng mình bị ốm nên ở nhà. Tất cả những phụ nữ đi chuyến ấy đã bị bắt và hãm hiếp. Mặc dù vậy, Elizabeth không có lựa chọn nào khác là thỉnh thoảng vẫn phải vào rừng kiếm củi bởi 4 đứa con của bà cần cái ăn. “Nếu chúng tôi cứ ở đây mà không vào rừng, chúng tôi sẽ chẳng có gì, bọn trẻ sẽ chết đói”, Elizabeth buồn bã nói.