Sứ mệnh khó khăn sau phán quyết PCA

ANTD.VN - Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos đang “lĩnh ấn tiên phong” thực hiện sứ mệnh mở đường cho đàm phán giữa Manila và Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).

Sứ mệnh khó khăn sau phán quyết PCA ảnh 1Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos phát biểu tại Hồng Kông trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến thăm Trung Quốc

Ngày 8-8, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos đã tới Hồng Kông, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Quốc kéo dài khoảng  4-5 ngày, để gặp các cựu quan chức Chính phủ Trung Quốc. Không công bố công khai, song dư luận đều biết rất rõ là chuyến công du của phái đoàn do ông Fidel Ramos dẫn đầu với cương vị Đặc phái viên Tổng thống Philippines có nhiệm vụ mở đường cho cuộc đàm phán giữa Manila và Bắc Kinh sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết đối với vụ kiện Trung Quốc của Philippines về Biển Đông ngày 12-7 vừa qua. 

Quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc đã trở nên căng thẳng từ khi Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” hòng “nuốt trọn” Biển Đông, trong đó có nhiều vùng biển đảo rộng lớn mà Manila tuyên bố chủ quyền. Mối quan hệ này càng xấu thêm khi Trung Quốc dùng sức mạnh để đuổi ngư dân và lực lượng chức năng của Philippines để cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough mà Manila tuyên bố nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

“Giọt nước cuối tràn ly” chính là việc chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino III, người tiền nhiệm của đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte, đệ đơn kiện Trung Quốc ra tòa PCA về vấn đề Biển Đông. Đơn kiện của chính quyền ông Benigno Aquino không chỉ làm “mất mặt” Trung Quốc với tư thế một cường quốc mà còn đẩy Bắc Kinh trước một phán quyết của công lý mà phần thua đã được dự báo trước sẽ thuộc về Trung Quốc.

Tuy nhiên, quan hệ Philippines - Trung Quốc đã dịu đi phần nào khi ông Duterte từ khi tranh cử cho tới lúc đắc cử đều khẳng định sẽ ưu tiên cải thiện mối quan hệ xấu đi với Trung Quốc. Chính sách này càng được thể hiện rõ hơn khi Đại sứ nước ngoài đầu tiên mà ông Duterte gặp gỡ sau khi đắc cử là Đại sứ Trung Quốc chứ không phải là Đại sứ Mỹ như thông lệ.

Thế nhưng, không phải vì thế mà cựu Tổng thống có thể dễ dàng hoàn thành sứ mệnh mở đường cho tiến trình đàm phán sau phán quyết PCA. Phán quyết của PCA không chỉ tuyên “phần thắng” về Philippines mà còn là cú trời giáng pháp lý vào tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh khi bác bỏ cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc với vùng biển đảo nằm trong yêu sách “đường lưỡi bò”, không một đảo hay bãi đá nào mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế…

Trung Quốc đã không công nhận thẩm quyền của PCA kể từ khi Philippines đệ đơn kiện đầu năm 2013 và càng lớn tiếng hơn tuyên bố bác bỏ mọi phán quyết của Tòa án này của Liên hợp quốc ngày 12-7 vừa qua. Trung Quốc chắc chắn không chịu “nhả” những vùng biển đảo mà họ đã dùng vũ lực cưỡng chiếm và kiểm soát trên Biển Đông, chẳng những thế mà còn dùng sức mạnh để hiện thực hóa tham vọng “nuốt” 80% diện tích Biển Đông.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Duterte dù muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, song cũng không thể nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền. Manila không thể không đòi lại chủ quyền cũng như vùng đánh cá tại bãi cạn Scarborough cho ngư dân Philippines.

Sứ mệnh mở đường của cựu Tổng thống Ramos vì thế rất cam go, không hề dễ như việc ông cầm gậy ra sân golf trong chuyến công du được dư luận gọi là “ngoại giao sân golf” để “phá băng” quan hệ này.