Số phận chính trị của Tổng thống Hàn Quốc: "Chỉ mành treo chuông"

ANTD.VN - Ngày 9-12, Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye do vụ bê bối xung quanh việc bà để người bạn thân Choi Soon-sil thao túng và can thiệp vào các vấn đề quốc gia. Cho dù kiến nghị luận tội vẫn cần được Tòa án Hiến pháp xem xét để đưa ra phán quyết cuối cùng, nhưng ngay từ thời điểm này, có thể thấy rằng sinh mệnh chính trị của bà Park Geun-hye chẳng khác nào “chỉ mành treo chuông”.

15h ngày 9-12 (giờ địa phương), tại phiên họp toàn thể với 300/300 Nghị sỹ tham gia, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua đề xuất của phe đối lập về việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye, với 234 phiếu tán thành, 56 phiếu chống, 7 phiếu không hơp lệ và 2 phiếu trắng.

Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun không tham gia bỏ phiếu. Với kết quả này, bà Park Geun-hye ngay lập tức bị đình chỉ tạm thời chức vụ Tổng thống và Thủ tướng đương nhiệm Hwang 

Kyo-ahn lên thay thế bà Park Geun-hye giữ quyền Tổng thống. Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn đã nhanh chóng chỉ thị cho các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Nội vụ thực thi các biện pháp nhằm đảm bảo ổn định tình hình trong từng lĩnh vực.

Về phần mình, Tổng thống Park Geun-hye đã gửi lời xin lỗi tới toàn thể người dân và cho biết sẽ nghiêm túc tôn trọng ý nguyện của người dân, đồng thời hy vọng vụ bê bối chính trị lần này sẽ sớm kết thúc.

Bà Park Geun-hye cũng kêu gọi các Bộ trưởng nỗ lực hết mình nhằm giảm thiểu tác động của vụ việc, tránh tạo ra khoảng trống trong việc lãnh đạo của chính quyền và ổn định cuộc sống của người dân. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Ku đã tổ chức phiên họp qua truyền hình với tất cả các tư lệnh trong toàn quân đội Hàn Quốc, đồng thời yêu cầu các lực lượng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với các hành động khiêu khích của Triều Tiên nếu có.

Trong lĩnh vực đối ngoại, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đã gửi điện cho các cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc trên toàn thế giới, trong đó yêu cầu các nhà ngoại giao nước này tập trung vào công việc, tránh bị dao động bởi việc luận tội Tổng thống; đảm bảo với chính quyền sở tại rằng chính quyền Seoul sẽ tiếp tục duy trì đường lối đối ngoại của mình và đề nghị nước sở tại tiếp tục nỗ lực để cải thiện quan hệ song phương với Hàn Quốc; đồng thời tăng cường các biện pháp để bảo vệ người dân và doanh nghiệp Hàn Quốc trên toàn thế giới. 

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ có thời hạn 180 ngày để xem xét và ra phán quyết cuối cùng đối với đề xuất luận tội Tổng thống Park Geun-hye. Trong trường hợp có ít nhất 6/9 thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp chấp thuận đề xuất luận tội thì bà Park Geun-hye sẽ bị miễn nhiệm, Thủ tướng đương nhiệm sẽ đứng đầu Chính phủ tạm thời và chính giới có 60 ngày để tổ chức cuộc bầu Tổng thống mới.

Trong trường hợp còn lại, bà Park Geun-hye sẽ được khôi phục chức vụ và tiếp tục nắm quyền Tổng thống. Ngay trong ngày 9-12, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã đẩy nhanh tiến trình xem xét kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye, yêu cầu bà giải trình vào ngày 16-12 tới.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Tòa án Hiến pháp ở trung tâm Thủ đô Seoul, Người phát ngôn Tòa án nêu rõ: “Chúng tôi đã nhất trí rằng kiến nghị luận tội này là cực kỳ quan trọng và cần phải tiến hành nhanh chóng. Sắp tới, tòa án sẽ tổ chức thêm các cuộc họp để cân nhắc tính nghiêm trọng của vấn đề này và thành lập một lực lượng chuyên gia nghiên cứu nhằm kiểm tra cách thức bắt đầu giải quyết vụ việc”.

Trong lịch sử chính trường Hàn Quốc, đây là lần thứ hai một Tổng thống đương nhiệm bị Quốc hội tiến hành thủ tục luận tội. Lần đầu tiên diễn ra vào tháng 3-2004, khi đó Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua thủ tục luận tội cố Tổng thống Roh Moo-hyun vì cho rằng ông đã có phát biểu kêu gọi cử tri ủng hộ đảng của mình trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6 năm đó.

Việc này vi phạm luật bầu cử của Hàn Quốc trong đó yêu cầu Tổng thống phải duy trì quan điểm trung lập. Tuy nhiên đến tháng 5-2014, Tòa án Hiến pháp nước này đã phán quyết rằng hành vi vi phạm của ông tương đối nhẹ và không đáng bị luận tội. Ông Roh Moo-hyun sau đó đã quay trở lại nắm quyền.

Có thể nói vụ bê bối lần này ở Hàn Quốc chỉ là giọt nước làm tràn ly. Thực tế cho thấy, các giá trị dân chủ của Hàn Quốc được xây dựng từ sau năm 1987 đã bị thụt lùi nhiều kể từ khi bà Park Geun-hye nhậm chức Tổng thống.

Báo cáo của Liên hợp quốc công bố hồi tháng 1-2016 đã cho thấy sự tụt hậu của các quyền tự do cũng như bất bình đẳng xã hội ở Hàn Quốc gia tăng dưới thời Tổng thống Park Geun-hye.

Ngoài ra, bà Park Geun-hye còn bị tố cáo dính líu vào nhiều chuyện lùm xùm khác như sử dụng tình báo cho chiến dịch tranh cử năm 2012, dùng Luật Chống vu khống để đe dọa đối lập… Theo nhà báo Philippe Pons của tờ Lemonde (Pháp), nếu bà Park Geun-hye bị hạ bệ giữa chừng là một “thất bại kép” cả về chính trị và cá nhân.

Trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc vào cuối năm 2012, bà Park Geun-hye dường như đang cố gắng kiểm soát thời hạn kết thúc nhiệm kỳ của mình giờ đã trở thành cuộc ra đi khó có thể tránh khỏi. Kế hoạch mà bà dự tính - từ chức vào tháng 4 sang năm - giờ không còn được các thành viên đảng cầm quyền Saenuri của bà ủng hộ.

Đối mặt với chỉ số tín nhiệm đã tụt xuống mức kỷ lục 4% kể từ khi vụ bê bối vỡ lở cách đây vài tuần, ngày 6-12, bà Park Geun-hye đã nói rằng bà sẽ chấp nhận kết quả cuộc bỏ phiếu luận tội song sẽ để Tòa án Hiến pháp quyết định nó có hiệu lực hay không. Các nhà bình luận thống nhất rằng việc bà Park Geun-hye chờ đợi phán quyến của Tòa án Hiến pháp cho thấy nhà lãnh đạo này chưa sẵn sàng tự nguyện từ chức.