Rủi ro quanh quỹ đầu tư "ảo" của ngân hàng Trung Quốc

ANTD.VN - Cả trăm khách hàng đã tập trung trước Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc, chi nhánh Bắc Kinh hôm 19-4 để đòi lại tiền gửi của họ sau khi truyền thông Trung Quốc đưa tin, hơn 400 triệu USD tiền của các nhà đầu tư đã biến mất.

Chi nhánh của Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc tại Bắc Kinh bị hành trăm khách hàng kéo đến đòi tiền

Vụ bê bối tại Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc vỡ lở khi tờ Kinh doanh thế kỷ 21 hôm 18-4 có bài báo cho biết các sản phẩm quản lý tài sản của ngân hàng này đều giả mạo và “không tồn tại”. Bài báo cho biết, hơn 120 nhà đầu tư đã đăng ký yêu cầu ngân hàng hoàn trả vốn đầu tư của họ và mở một cuộc điều tra. “Chúng tôi không về nếu không được trả lại tiền”, một khách hàng cương quyết.

Đầu tư mạo hiểm

Thông thường, các khoản đầu tư này gọi là các sản phẩm quản lý tài sản, mang lại lợi nhuận hấp dẫn hơn lãi suất ngân hàng. Do được hứa hẹn bởi sự đảm bảo an toàn và lợi nhuận tốt, các nhà đầu tư đã đổ hết tiền tiết kiệm vào đó. Như Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc đang là tâm điểm vụ bê bối mới nhất này, họ đưa ra một sản phẩm đầu tư với lãi suất từ 8 đến 27%.

Để quảng bá cho sản phẩm, ngân hàng đã tổ chức các sự kiện chơi golf miễn phí hay các chuyến du lịch nước ngoài. Thấy một ngân hàng hùng hậu như vậy, các nhà đầu tư, bao gồm nhiều người lớn tuổi đã góp vốn mức thấp nhất là 145.000 USD.

Trang Caixin.com đưa tin, thực tế khoản đầu tư tài chính “ảo” này đã được sử dụng để trang trải một lỗ hổng mà chi nhánh này không thể phục hồi từ một chương trình thương mại khác. Cảnh sát đã bắt giữ Trương Anh - người đứng đầu bộ phận cho vay của chi nhánh Bắc Kinh, ngân hàng cho biết trong một thông cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải hôm 18-4. Ngân hàng này đang tích cực phối hợp cùng cảnh sát trong cuộc điều tra. 

Vụ bê bối tại Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc cho thấy một nguy cơ lớn ngày càng gia tăng trong nền kinh tế Trung Quốc: Sự tồn tại của các sản phẩm tài chính trị giá hàng nghìn tỷ đô la với quy định và giám sát đều lỏng lẻo. 

Vụ bê bối này cho thấy một nguy cơ lớn ngày càng gia tăng trong nền kinh tế Trung Quốc: sự tồn tại của các sản phẩm tài chính trị giá hàng nghìn tỷ đô la với quy định và giám sát đều lỏng lẻo. 

Thực tế, các sản phẩm đầu tư này nằm ngoài bảng cân đối thu chi của ngân hàng, đôi khi giống như hoạt động cho vay ngầm. Nó tạo ra một nguồn vốn tốt hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng nhiều khoản đầu tư lại được chuyển vào kinh doanh than đá, thép và bất động sản - các lĩnh vực đang đối mặt với tình trạng dư thừa ở Trung Quốc. Mỗi khi xảy ra bê bối, Chính phủ Trung Quốc lại phải can thiệp để bảo vệ các nhà đầu tư. Chính phủ lo sợ rằng, theo tâm lý bầy đàn, nếu các nhà đầu tư đồng loạt đòi lại tiền thì có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Làm liều vì… sẽ được giải cứu

Vì thế, nghịch lý nảy sinh là chính vì các nhà đầu tư tin chắc rằng chính phủ sẽ giải cứu nên họ không lo lắng về những rủi ro tiềm ẩn và tiếp tục đổ tiền vào sản phẩm tài chính này. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, các nhà đầu tư nước này đã bỏ ra 4,4 nghìn tỷ USD vào các sản phẩm quản lý tài sản, tương đương khoảng 40% sản lượng kinh tế hàng năm.

Mặt khác, cho dù các nhà quản lý có tăng cường giám sát thì chính các ngân hàng cũng có thể tự phá vỡ nguyên tắc. “Nó sẽ tạo ra rủi ro về mặt đạo đức. Khi bạn nói rằng họ sẽ được giải cứu, phía ngân hàng sẽ có những hành vi rất nguy hiểm, thậm chí là các biểu hiện cơ hội”, PGS Victor Shih,  trường Đại học California, San Diego, chuyên nghiên cứu về các chính sách ngân hàng của Trung Quốc nói.

Các cơ quan quản lý của Trung Quốc gần đây cũng đã công khai bày tỏ lo ngại về sự gia tăng của các sản phẩm quản lý tài sản. Vào tháng 3-2017, Chủ tịch Ngân hàng lớn nhất Trung Quốc và một cơ quan quản lý bảo hiểm cao cấp của Trung Quốc đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ về những rủi ro quanh các khoản cho vay mạo hiểm này. Đó là chưa kể nạn cho vay trực tuyến cũng tiềm ẩn hậu quả xấu. Năm ngoái, một công ty tài chính trực tuyến đã thu hút các nhà đầu tư hơn 7,6 tỷ USD trong một âm mưu lừa đảo theo hình thức lấy của người vay sau trả cho người vay trước.

Một nhà phân tích tại PY Standard, một công ty nghiên cứu ở Thành Đô, Trung Quốc, cho rằng: “Vụ tai tiếng tại Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc phản ánh sự thiếu kiểm soát nội bộ tại ngân hàng. Sau việc này, các nhà quản lý có thể sẽ cố thắt chặt sự kiểm soát của họ đối với sản phẩm tài chính”.