Qatar "ngấm đòn" trừng phạt hội đồng

ANTD.VN - Cho dù là quốc gia có thu nhập đầu người cao nhất thế giới, song sự cô lập của các quốc gia Ả-rập láng giềng đã khiến kinh tế Qatar đang ngày càng “ngấm đòn” trừng phạt hội đồng này, trong đó lao động nước ngoài bị ảnh hưởng trước hết và nặng nề nhất.

Qatar "ngấm đòn" trừng phạt hội đồng  ảnh 1Khó khăn kinh tế đã buộc Qatar phải cắt giảm lương của lao động nước ngoài 

Cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng nhất từ trước tới nay ở vùng Vịnh vẫn chưa có lối thoát khiến Qatar phải gánh chịu nhiều tổn thất về kinh tế và buộc nước này phải cắt giảm tiền lương của lao động nước ngoài.

Ông Mahmoud Al-Saidi, thành viên Ủy ban các vấn đề Ả-rập của Quốc hội Qatar thừa nhận rằng việc các nước Ả-rập láng giềng tẩy chay hoạt động giao thương với Qatar đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, buộc nước này đã không thể chi trả đủ tiền lương cho lao động nước ngoài, khiến họ phải rời bỏ quốc gia này.

Việc giảm tiền lương đối với lao động nước ngoài đã lập tức dẫn tới hậu quả nhãn tiền khi số lao động nước ngoài làm việc tại Qatar đã giảm 6,2% trong quý 2-2017, tương ứng với 123.860 lao động nước ngoài đã rời khỏi quốc gia này do chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh. Tính ra, cứ mỗi giờ lại có thêm 57 lao động nước ngoài rời Qatar kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.

Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh bất ngờ bùng phát ngày 5-6 vừa qua khi 4 quốc gia Ả-rập là Ai Cập, Ả-rập Xê-út, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao cũng như các liên kết đường không, đường bộ và đường biển với Qatar với cáo buộc Doha ủng hộ và cung cấp tài chính cho các nhóm khủng bố.

Đến ngày 23-6, 4 nước Ả-rập còn dấn thêm bước nữa khi đưa ra yêu sách gồm 13 điểm với Qatar, trong đó yêu cầu Doha đóng cửa Kênh Truyền hình Al-Jazeera, cắt đứt quan hệ với Iran, ngừng cung cấp tài chính cũng như hỗ trợ các nhóm khủng bố, chấm dứt sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Qatar…

Qatar đến nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc trên, đồng thời không chấp nhận lùi bước trước sức ép của 4 quốc gia có vai trò chi phối Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Qatar chẳng phải là quốc gia dễ bị “bắt nạt” bởi là nước giàu có nhất không chỉ tại vùng Vịnh mà cả thế giới với GDP lên tới 130.000 USD/người/năm và nhận được sự hậu thuẫn hết mình của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran… trong cuộc đối đầu nhóm “Big Four” trong GCC.

Dẫu vậy, việc bị chính những quốc gia láng giềng bao vây cô lập suốt 2,5 tháng qua đã ảnh hưởng nặng nề tới giao thương và cả nền kinh tế Qatar. Việc buộc phải cắt giảm lương của lao động nước ngoài, dẫn tới việc lực lượng đóng vai trò rất quan trọng tới kinh tế Qatar này đang lần lượt “dứt áo ra đi”, cho thấy Doha đang dần “ngấm đòn” trừng phạt hội đồng.

Lao động nước ngoài đóng vai trò quan trọng có lẽ là còn hơn cả “xương sống” nền kinh tế Qatar bởi cách tính số dân đặc biệt của quốc gia này khi tính gộp cả lao động nước ngoài vào số dân mà mỗi tháng thống kê một lần. Thế nên, dù số dân thống kê vào tháng 5-2017 vừa qua là hơn 2,7 triệu người, song lao động nước ngoài chiếm tới hơn 80%, số người mang quốc tịch Qatar chỉ khoảng 500.000 người. 

Lao động nước ngoài rời bỏ Qatar có thể dẫn tới hậu quả xấu cho sản xuất và kinh tế - xã hội quốc gia này. Đặc biệt, việc thiếu hụt lao động nước ngoại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc chuẩn bị cho Word Cup bóng đá thế giới năm 2022 mà Qatar là nước chủ nhà. Các sân vận động lớn, hiện đại cùng nhiều công trình xây dựng khác phục vụ cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh 4 năm mới có một có thể không được hoàn thành đúng tiến độ nếu thiếu bàn tay lao động nước ngoài.

Nhìn vào khó khăn của Qatar, giới quan sát đã đặt vấn đề quốc gia này còn chịu đựng được bao lâu nữa “đòn trừng phạt hội đồng” của nhóm “Big Four”.