Pháp "thanh lọc" bộ máy chính trị bằng những đạo luật

ANTD.VN - Cam kết làm trong sạch bộ máy chính trị nước Pháp của Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Emmanuel Macron đang được hiện thực hóa bằng những đạo luật pháp lý.

Pháp "thanh lọc" bộ máy chính trị bằng những đạo luật ảnh 1Tổng thống Emmanuel Macron quyết tâm làm trong sạch bộ máy chính trị nước Pháp để duy trì vị thế trên chính trường

Với số phiếu ủng hộ áp đảo là 412 phiếu thuận và 74 phiếu chống, Quốc hội Pháp ngày 9-8 đã thông qua một dự luật nhằm làm trong sạch bộ máy chính trị quốc gia, một vấn đề gây bức xúc lâu nay.

Theo luật mới, các Nghị sỹ Quốc hội Pháp sẽ không còn được cấp kinh phí để chi trả cho các lĩnh vực hay các tổ chức phi Chính phủ mà họ lựa chọn. Đây là một trong những động thái mới nhất từ Chính phủ trung hữu của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm khôi phục lòng tin dân chúng đối với đội ngũ chính trị gia nhiều tai tiếng và bê bối. Hơn 10 ngày trước, ngày 27-7, Quốc hội Pháp cũng đã thông qua việc cấm các Nghị sỹ Quốc hội và các Bộ trưởng nước này thuê người trong gia đình làm việc cho mình.

Các quy định mới áp dụng đối với các chính trị gia là Bộ trưởng và các thành viên trong Quốc hội Pháp tương tự như chính sách hiện hành tại một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Đức, được trông đợi sẽ giúp chấm dứt tình trạng đưa người thân vào làm việc. Đây là một cam kết của ông Emmanuel Macron trong suốt quá trình tranh cử, cũng như sau khi đắc cử Tổng thống Pháp, nhằm chấm dứt thực trạng được cho là căn nguyên khiến người dân mất lòng tin ở giới chính trị gia.

Có thể nói một trong những nguyên nhân quan trọng giúp ông Emmanuel Macron giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp tháng 5 vừa qua chính là vấn đề bê bối liên quan tới các chính trị gia hàng đầu nước này.

Khi cuộc tranh cử mới bắt đầu, ông Francois Fillon, lãnh đạo Đảng Cánh hữu “Những người Cộng hòa” (LR) được xem là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc đua vào Điện Elysee.

Tuy nhiên, uy tín của ông Francois Fillon đã “xuống dốc không phanh” ngay sau khi bị nhà chức trách Pháp điều tra cáo buộc lạm dụng công quỹ chi trả tiền lương lên đến hàng trăm nghìn euro cho chính vợ mình là bà Penelope Fillon cùng 2 người con làm những công việc không có thực trong Quốc hội trong suốt nhiều năm.

Vụ bê bối “lương thật, việc làm giả” đã phá tan sự nghiệp chính trị của ông Francois Fillon khi ứng cử viên nặng ký ban đầu này không thể lọt vào vòng hai bầu cử Tổng thống Pháp.

Khi ông Francois Fillon thất thế cũng là lúc ứng cử viên Emmanuel Macron với sự trẻ trung năng động của mình đã “thăng hoa” nhanh chóng trên chính trường nước Pháp. “Khuôn mặt mới toanh” và “chưa tỳ vết” trong giới chính trị gia Pháp là một nhân tố không kém phần quan trọng giúp ứng cử viên Emmanuel Macron giành chiến thắng áp đảo trong vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp hồi tháng 5 vừa qua.

Sự tươi mới và trong sạch đã góp phần đưa ông Emmanuel Macron lên đỉnh cao quyền lực tại nước Pháp, song không ngờ là chỉ 5 tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Emmanuel Macron đã buộc phải tiến hành cải tổ nội các sau sự ra đi của các nhân vật chủ chốt trong Chính phủ là thành viên Đảng Phong trào Dân chủ (MoDem) - chính đảng vốn giúp đưa ông Emmanuel Macron lên nắm quyền, do dính líu tới vụ bê bối sử dụng công quỹ sai mục đích. Việc có tới 4 Bộ trưởng là thành viên của Đảng MoDem xin từ chức trong vòng 48 giờ cuối tháng 6 vừa qua do bị điều tra lạm dụng công quỹ là đòn giáng mạnh vào uy tín của tân chủ nhân Điện Elysee. 

Cho dù không trực tiếp vướng vào bê bối, song Tổng thống Emmanuel Macron cần phải mạnh tay “thanh lọc” trước hết là những chính trị gia trong đảng cầm quyền vả rộng hơn là bộ máy chính trị nước Pháp để giữ vững vị thế trên chính trường. Điều này càng cần thiết trong bối cảnh ông đang trải qua những tháng đầu cầm quyền đầy khó khăn khi vấp phải những chỉ trích gay gắt xung quanh các chương trình cải cách lao động, ngân sách và cắt giảm chi tiêu công.