Ô nhiễm không khí - "thủ phạm" cướp đi 7 triệu sinh mạng mỗi năm

ANTD.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố số liệu đáng báo động về tình trạng ô nhiễm không khí toàn cầu. Theo đó, thế giới có 7 triệu người thiệt mạng vì ô nhiễm không khí mỗi năm, hầu hết nạn nhân là công dân các quốc gia nghèo ở châu Á và châu Phi. 

Ô nhiễm không khí - "thủ phạm" cướp đi 7 triệu sinh mạng mỗi năm ảnh 1Khí thải tại một nhà máy sản xuất than cốc ở Bottrop, miền Tây nước Đức

Đánh giá toàn cầu của WHO dựa trên dữ liệu thu thập từ vệ tinh cũng như lấy mẫu từ dữ liệu của hơn 4.300 thành phố và thị trấn của 108 quốc gia trên thế giới, cho thấy mức độ ô nhiễm tăng gần 50% so với báo cáo hồi năm 2016.

Theo báo cáo mới nhất của WHO, 9 trên 10 người dân trên Trái đất đang phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm. Khoảng 1/4 số ca tử vong do các bệnh về tim mạch, đột quỵ và ung thư phổi có nguyên nhân xuất phát từ ô nhiễm không khí. Các chuyên gia sức khỏe đã chỉ ra 2 nguy cơ chính từ ô nhiễm không khí. Một có liên quan tới hạt vật chất (PM) - các hạt bụi đen tạo thành từ nhiên liệu hóa thạch, cháy rừng và đốt nương làm rẫy.

Chuyên gia Cathryn Tonne thuộc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London nhấn mạnh tới những hạt được gọi là PM2.5, những hạt phân tử có kích cỡ 2,5 micromét hoặc nhỏ hơn, tức là nhỏ hơn sợi tóc người 30 lần. Chủ yếu được tạo thành từ việc đốt than và dầu cho các nhà máy điện và từ dầu diezel và xăng cho vận tải, những hạt phân tử này nguy hiểm gấp nhiều lần so với các hạt PM10 mà nhà khoa học Tonne cùng các đồng nghiệp đã tìm thấy khi nghiên cứu căn nguyên những ca chết vì bệnh tim ở nước Anh.

Đáng chú ý, hơn 90% các ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình, chủ yếu ở châu Á và châu Phi. Mức độ khói độc ở Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 1-2018 lên tới mức 993 microgram trên 1 mét khối, cao gấp 40 lần so với mức an toàn mà WHO khuyến cáo. Sở dĩ vậy vì Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ than đá lớn nhất thế giới, chiếm khoảng một nửa lượng tiêu thụ than toàn cầu. Than đá đang chiếm tới 70% tổng lượng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc, đặc biệt cho sản xuất điện. Trong khi ở Anh, chính quyền đã đóng cửa các lò nhiệt điện bằng than để chuyển qua nguồn năng lượng sạch khác, qua đó hạ mức ô nhiễm không khí của nước này xuống mức thấp kỷ lục. 

Nguy cơ lớn thứ hai từ ô nhiễm không khí là khí ozon. Ở tầng bình lưu, khí ozon có tác dụng làm tấm chắn quan trọng bảo vệ con người trước ánh nắng mặt trời, song ở mặt đất, nơi nó được tạo ra từ phản ứng giữa các oxit nitơ trong khói xe và ánh nắng mặt trời thì lại rất nguy hại cho đường hô hấp. 

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho hay, hơn 40% dân số toàn cầu vẫn không có quyền tiếp cận với các nhiên liệu và công nghệ nấu ăn sạch. Người dân ở nhiều nước vẫn tiếp tục nấu ăn, sưởi ấm hoặc thắp sáng nhà mình bằng dầu hỏa hay gỗ, thay vì những loại nhiên liệu sạch hơn như gas hay điện. Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Ô nhiễm không khí đe dọa tất cả chúng ta, nhưng những người nghèo, phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng lớn nhất. Không thể chấp nhận được sự thật rằng hơn 3 tỷ người - hầu hết là phụ nữ và trẻ em - vẫn đang hít phải khói chết người mỗi ngày do sử dụng bếp và chất gây ô nhiễm trong nhà của họ”.

“Tin tốt là chúng ta đang thấy ngày càng nhiều Chính phủ tăng cam kết giám sát và giảm ô nhiễm không khí cũng như hành động toàn cầu nhiều hơn từ ngành y tế, giao thông, nhà ở và năng lượng”, Tổng Giám đốc WHO Tedros nói. Hiện WHO lên kế hoạch tổ chức một hội nghị đầu tiên trên thế giới về ô nhiễm môi trường và sức khỏe vào cuối tháng 10 tới để thúc đẩy thay đổi hành động toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí.