- APEC đồng ý thành lập mạng lưới chống tham nhũng xuyên quốc gia
- Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: “Việc chống tham nhũng như mũi tên bay ra khỏi cánh cung“
- Quan chức “thử” đi tù để... chống tham nhũng
Quang cảnh Hội nghị chống tham nhũng của Liên hợp quốc tổ chức tại St. Petersburg, Nga
Diễn ra tại thành phố St. Petersburg (Nga) trong 5 ngày, Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước LHQ về chống tham nhũng là một trong những diễn đàn toàn cầu về chống tham nhũng. Trong phiên họp toàn thể cuối cùng, các quốc gia thành viên công ước đã thông qua Tuyên bố St. Petersburg về thúc đẩy quan hệ đối tác giữa nhà nước và doanh nghiệp trong phòng ngừa và chống tham nhũng cùng 9 nghị quyết xoay quanh các nội dung liên quan đến việc đánh giá thực thi công ước trong thu hồi tài sản, phòng ngừa tham nhũng, hợp tác quốc tế trong thu hồi và hồi hương tài sản tham nhũng và một số chủ đề khác.
Trong những thập kỷ gần đây, cùng với xu thế toàn cầu hóa, tham nhũng ngày càng lan rộng và trở thành một vấn đề hết sức nhức nhối, đe dọa nghiêm trọng đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Báo cáo của Viện Quản lý tài nguyên môi trường (NRGI), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York, Mỹ, đưa ra ngày 11-10 đã khiến thế giới bất ngờ: Khoảng 1.500 tỷ USD, tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, là số tiền thất thoát mỗi năm do tham nhũng. Chưa hết, con số này mới chỉ phản ánh khoản thiệt hại tài chính do các hành vi tham nhũng gây ra và chưa tính tới những thiệt hại về cơ hội, về năng suất lao động và sự đổi mới.
Những nước phát triển và có cơ chế chống tham nhũng mạnh như châu Âu cũng không thoát được tham nhũng. Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu (EESC) cho biết, nạn tham nhũng và biển thủ gây thiệt hại tới 120 tỷ euro mỗi năm, tương đương 1% tổng sản phẩm nội khối (GDP) của Liên minh châu Âu (EU). Với các nước đang phát triển, thực trạng này phức tạp hơn. Theo Ngân hàng Thế giới và Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP), tham nhũng ăn chặn từ 20 - 40 tỷ USD từ các nước đang phát triển. Chỉ 1% của số đó (200 triệu USD) cũng đủ để tiêm chủng cho 8 triệu trẻ em sơ sinh hoặc cung cấp nước sạch cho nửa triệu người nghèo trong nửa năm.
Đối tượng tham nhũng và quy mô từng vụ tham nhũng cũng khiến người ta phải suy nghĩ. Trong những năm cầm quyền, Tổng thống Congo (Zaire cũ) đã đút túi số tiền tham nhũng lên tới 9-10 tỷ USD, bằng 70% số nợ nước ngoài của nước này. Hay như ít ai có thể nghĩ rằng Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 68 (2013-2014) J. Ashe lại nhận tới 1,3 triệu USD tiền hối lộ từ một tỷ phú Trung Quốc thông qua các hoạt động cứu trợ và các chương trình phát triển bền vững mà LHQ thực hiện tại các quốc gia đang phát triển hoặc các nước nghèo.
Việc hình thành một khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác giữa các quốc gia trên phạm vi quốc tế để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với hành vi tham nhũng và tác hại của hành vi này đã trở thành một yêu cầu bức thiết. Công ước LHQ về chống tham nhũng ra đời tháng 10-2003 và bắt đầu có hiệu lực từ 14-12-2005 chính là nhằm đáp ứng yêu cầu đó. Đây là điều ước quốc tế đa phương với mục tiêu là hình thành một khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tình trạng tham nhũng.
Cứ hai năm một lần, các quốc gia thành viên Công ước lại nhóm họp nhằm đánh giá hiệu quả thực hiện, cũng như bàn thảo cách thức tiếp tục đấu tranh chống căn bệnh tham nhũng hiệu quả hơn. Điểm đáng chú ý trong Kỳ họp thứ 6 của Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước LHQ về chống tham nhũng tại St. Petersburg vừa rồi là các nước tham gia đều quan tâm đến các biện pháp toàn diện nhằm tăng cường hiệu quả việc thu hồi tài sản tham nhũng vì đây là mục đích quan trọng và là nguyên tắc cơ bản của Công ước. Với những biện pháp mạnh như vậy, thế giới hy vọng tệ nạn tham nhũng sẽ được ngăn chặn bớt.