Nô lệ tình dục trong vỏ bọc hôn nhân

ANTD.VN - “Đêm đó, ông ta nói: Tôi đã mua cô, giờ tôi có thể làm bất kỳ điều gì tôi muốn. Hãy câm miệng ngay và chấp nhận số phận đi”, đó là những lời chia sẻ của Muneera Begum, năm nay 19 tuổi đã bị cha mẹ mình bán cho một người đàn ông 70 tuổi đến từ Oman khi mới 12 tuổi. 

Muneera Begum gọi cái đêm tân hôn của mình là “cuộc tra tấn”. “Tôi không hiểu điều gì đang xảy ra, chỉ cảm thấy vô cùng sợ hãi”, Muneera Begum nói. Trong suốt 2 tháng, chồng của Muneera Begum giam  cô trong một căn phòng và bắt cô phải phục vụ. “Bất cứ khi nào đi ra ngoài, ông ấy sẽ nhốt tôi lại. Khi trở về, một màn tra tấn mới sẽ lại bắt đầu”, Begum nghẹn ngào.

Nô lệ tình dục trong vỏ bọc hôn nhân ảnh 1Nhiều vùng ở Ấn Độ vẫn có tập tục gả con gái khi chưa đến tuổi trăng tròn

Túng quẫn phải bán con

Cảnh sát cho biết, có hàng trăm trường hợp như Muneera Begum ở thành phố nghèo Hyderabad, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Các cô gái trẻ này thường là con gái của những gia đình nghèo, cha mẹ túng quẫn nên buộc phải bán con gái cho những người đàn ông cao tuổi. Để rồi cuộc hôn nhân đó trở thành vỏ bọc cho những cuộc lạm dụng tình dục và bạo hành thân xác. 

Mẹ của Begum cho biết, gia đình bà có 5 người, sống nhồi nhét trong một căn phòng nhỏ ở vùng hẻo lánh nhất của Hyderabad. Gia đình nghèo túng, bố của Begum lại là một kẻ nghiện rượu.  “Chúng tôi đã nghĩ rằng, nếu gả con gái, chúng tôi sẽ có khoản tiền mua một căn nhà nhỏ, cuộc sống của chúng tôi cũng như của con gái tôi sẽ tốt hơn. Ai ngờ hậu quả khiến con gái phải chịu những đau đớn, tổn thương đến vậy”, mẹ Begum giải thích.

“Săn” bé gái nhà nghèo

Trong một cuộc điều tra, các phóng viên CNN đã tìm đến một số gia đình có phụ nữ là nạn nhân của những vụ hôn nhân bán gả giống như Muneera Begum. Tất cả đều là những câu chuyện khủng khiếp về buôn người, lạm dụng sức khỏe và tình dục. Qua các tay môi giới ở Hyderabad, mạng lưới buôn người tiếp cận các gia đình nghèo và thuyết phục họ bán con gái. Khi có khách  - thường là những người đàn ông lớn tuổi, những người có chút tiền đi du lịch tới Hyderabad, đại lý sẽ dẫn khách đi chọn “mặt hàng”.

Một giáo sĩ tôn giáo (cũng là người của mạng lưới này) sẽ đứng ra ký giấy chứng nhận kết hôn (mà không có tư cách pháp nhân) để hợp thức hóa những cuộc hôn nhân trong cưỡng ép và sau đó là cả giấy ly hôn.  Sau một vài tuần hoặc vài tháng quan hệ tình dục với các cô gái, những vị khách này bỏ đi không trở lại. Sống trong cảnh bị cưỡng bức hay bạo hành, những cô gái trẻ bất lực, không thể phản kháng. Thậm chí, nhiều cô gái còn bị bọn buôn người cho dùng ma túy để rồi phải lệ thuộc hoàn toàn và chịu sự sai khiến của chúng.

Cứu vớt những mảnh đời bất hạnh

Hiện giờ Begum đã là mẹ của một đứa trẻ, cha của đứa bé chính là người đàn ông đã buộc cô phải kết hôn. Khi cô mang thai được khoảng 2 tháng, ông ta ly dị cô qua điện thoại. Ấn Độ là một trong vài quốc gia Hồi giáo, nơi người đàn ông có thể ly dị vợ của mình bằng cách lặp đi lặp lại từ “taloq” (ly hôn) - 3 lần. Họ có thể làm điều đó trực diện, qua điện thoại, hoặc chỉ đơn giản bằng cách gửi một tin nhắn SMS. Mặc dù Ủy ban Tôn giáo Nhà nước đã ra lệnh cấm nhưng tình trạng này vẫn phổ biến.

Phải làm mẹ đơn thân khi chưa đến tuổi trăng tròn, Begum nói rằng, cô đã rất đau khổ, quẫn trí và không ít lần tìm cách tự sát.  Nhưng rất may sau đó cô được một tổ chức phi Chính phủ đóng tại địa phương gọi là Shaheen giúp đỡ. Nhờ Shaheen mà Begum vượt qua thời gian khủng hoảng đó.  Những kẻ môi giới liên quan đến vụ buôn bán cô sau đó cũng đã bị bắt.

Bà Jameela Nishat là người thành lập nên Shaheen hơn 20 năm trước đây. Bà đã giúp đỡ trực tiếp hơn 100 cô gái và gián tiếp gần 1.000 người. “Giấc mơ của tôi là  tất cả các cô con gái được hạnh phúc, để họ được tận hưởng cái gọi là cuộc sống và sự tự do”, bà Jameela chia sẻ. Không chỉ giúp đỡ, vực những cô gái như Begum đứng lên, tổ chức Shaheen còn dạy cho họ những kỹ năng như: may vá, vẽ henna, sử dụng thành thạo máy tính… để có thể kiếm tiền và độc lập về tài chính.