Những chủ đề "nóng" tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN

ANTD.VN - Ngày 5-8, tại Thủ đô Manila của Philippines đã diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 50 (AMM50) với sự tham dự của các quan chức ngoại giao hàng đầu khu vực ASEAN cùng các đối tác đến từ châu Á và phương Tây. AMM50 cùng các hội nghị liên quan diễn ra trong bối cảnh Đông Nam Á là nơi mà hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh gia tăng ảnh hưởng. 

Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 tại Thủ đô Manila, Philippines hôm qua 5-8

Những vấn đề trọng tâm  

27 quốc gia sẽ cử các Bộ trưởng Ngoại giao đến tham dự AMM50 và các hội nghị liên quan kéo dài 3 ngày tại Manila, trong đó có các nước đang đóng vai trò chủ chốt tại các cuộc xung đột dai dẳng như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên. Báo động về các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, bước tiến mới nhằm xoa dịu các tranh chấp ở Biển Đông và mối lo ngại về sự nổi lên các nhóm phiến quân ủng hộ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng,... sẽ là những vấn đề trọng tâm tại cuộc họp thường niên giữa các quan chức ngoại giao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và các đối tác đến từ châu Á và phương Tây. 

Tại cuộc họp diễn ra vào ngày 5-8, các Bộ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc và ASEAN xem xét thông qua thỏa thuận khung của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông vốn đã bị trì hoãn từ rất lâu. Theo giới phân tích, Trung Quốc có thể đã chấp thuận thỏa thuận khung này để xoa dịu những làn sóng phản đối trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực hoàn thiện hoạt động cải tạo và quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông. 

Giải quyết tranh chấp tại Biển Đông luôn là chủ đề “nóng” được các nước trong khu vực ASEAN quan tâm. Năm ngoái, trong vụ kiện do Philippines khởi xướng, Tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết không công nhận cái gọi là cơ sở lịch sử trong tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông - vùng biển vốn là tuyến hàng hải huyết mạch cho thương mại và quốc phòng này.

Tuy nhiên, sự nồng ấm hơn trong mối quan hệ Bắc Kinh-Manila dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte đã khiến người ta lo ngại rằng ông Duterte đang bỏ lỡ cơ hội áp dụng phán quyết pháp lý này để kiềm chế các hành động hung hăng của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp. 

Cùng với đó, sau khi Triều Tiên 2 lần phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), Mỹ và các đồng minh nhanh chóng bày tỏ ý định áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng thông qua một nghị quyết của Liên hợp quốc. Cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ được cho là sẽ lên án mạnh mẽ Triều Tiên tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào ngày 7-8 tới. 

Dự thảo tuyên bố chung do Philippines, nước Chủ tịch ARF năm nay đưa ra được cho là sẽ đề cập đến việc các Bộ trưởng ARF bày tỏ lo ngại nghiêm trọng đối với các vụ thử ICBM của Triều Tiên, cùng với các vụ thử tên lửa và 2 vụ thử hạt nhân trước đó hồi năm 2016. Các quan chức sẽ tiếp tục kêu gọi Bình Nhưỡng lập tức tuân thủ bổn phận của mình theo các nghị quyết của Liên hợp quốc và yêu cầu họ phải tự kiềm chế để phục vụ việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Các cuộc họp của ASEAN được tổ chức dưới sự đảm bảo an ninh nghiêm ngặt tại Manila, trong bối cảnh hiện có tới hàng nghìn binh sĩ Philippines đang tham gia cuộc tấn công chống lại các nhóm phiến quân có quan hệ với IS đang hoành hành tại thành phố Marawi ở miền Nam Philippines và biến một khu vực rộng lớn của thành phố này có nguy cơ trở thành một chiến trường đẫm máu. 

Cuộc khủng hoảng Marawi đã làm dấy lên những lo ngại rằng IS, sau những tổn thất lớn tại Syria và Iraq có thể thiết lập một thành trì tại khu vực Đông Nam Á thông qua các nhóm phiến quân mà chúng liên kết. Trước đó, Diễn đàn Khu vực ASEAN - ARF cũng đã xác định quyết tâm thực hiện các chiến lược chống khủng bố, trong đó có  áp dụng biện pháp kiểm soát hiệu quả truyền thông xã hội nhằm chống lại sự lan rộng của những bài viết về khủng bố trên mạng. 

Mỹ - Trung tranh cãi về Biển Đông

Giáo sư Titinan Pongsudhirak thuộc trường ĐH Bangkok dự báo, các hội nghị ASEAN sẽ là “sàn đấu” giữa Trung Quốc và Mỹ trong những tranh cãi về Biển Đông và Triều Tiên. Đây sẽ là thách thức lớn nhất cho ASEAN vốn đang muốn giữ vững chính sách độc lập của toàn khối. 

 Tình hình càng thêm gay cấn khi Ngoại trưởng Triều Tiên cũng sẽ đến Manila. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, các nhà ngoại giao Mỹ đã thử thuyết phục nước chủ nhà rằng cần phải loại Triều Tiên ra khỏi diễn đàn. Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton tuyên bố hành động của Triều Tiên vi phạm mục tiêu của cuộc gặp vốn nhằm ngăn chặn xung đột này. Tuy nhiên, giới chức Philippines đáp lại rằng tốt hơn là nên cho Triều Tiên có cơ hội tham dự vì trong đối thoại sẽ dễ dàng hơn để thuyết phục nước này dừng các hoạt động khiêu khích của họ. 

Trở lại vấn đề Biển Đông, đường lối của chính quyền Mỹ tiền nhiệm và đương nhiệm về Biển Đông là áp dụng hành động bảo vệ tự do hàng hải để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng và xây dựng các căn cứ quân sự tại các đảo tranh chấp và nhân tạo. Thái độ ngang ngược của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ là một điểm cộng cho Mỹ tại ASEAN, vì một số thành viên ASEAN sẽ nhìn nhận Mỹ như một đồng minh tiềm năng. 

Còn với Trung Quốc, sau các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm, giới chức Trung Quốc và ASEAN đã soạn thảo được văn kiện sẽ trở thành thỏa thuận khung cho Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Chủ nhiệm Ban Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga Dmitry Mosiakov cho rằng sự kiện này rất quan trọng.

Ông Dmitry Mosiakov nói: “Trong điều kiện cuộc đối đầu Mỹ - Trung đang thay đổi cấu trúc của quan hệ quốc tế trên Biển Đông, cuối cùng Trung Quốc đã bắt đầu đi theo con đường thỏa hiệp với các nước Đông Nam Á. Suốt một thời gian dài, Trung Quốc đã không muốn ký văn kiện. Họ tính sẽ phát triển quan hệ và ký văn kiện với từng nước”.