Nhiều phép thử cho tân Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ McMaster

ANTD.VN - Trung tướng Herbert Raymond McMaster vừa được Tổng thống mỹ Donald Trump chỉ định làm Cố vấn an ninh quốc gia mới. Đây là điều gây bất ngờ đối với các nhà quan sát.

Bất ngờ bởi chiến lược gia quân sự đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình trong lực lượng vũ trang Hoa Kỳ là người có quan điểm đối lập với không ít quan chức Nhà Trắng, thậm chí cả với Tổng thống Trump về nhiều vấn đề.

“Kiến trúc sư” của Lục quân Mỹ

Tướng McMaster năm nay 54 tuổi, tốt nghiệp đại học danh tiếng West Point, có bằng tiến sĩ về lịch sử Mỹ tại Đại học North Carolina. Ông nổi tiếng là một nhà chiến thuật và chiến lược quân sự. Ngoài ra, tân Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ còn được biết tới là một  người dày dạn kinh nghiệm chiến trường bởi ông từng tham gia cuộc chiến vùng Vịnh và các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq. 

Trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, ông McMaster là Đại úy chỉ huy đội quân Chim ưng của Trung đoàn kỵ binh thiết giáp trong trận chiến miền Đông 73. Trận chiến đó, đội quân của ông McMaster chiến thắng bằng cách đánh bất ngờ dù kém xa đối thủ về số lượng.

Xe tăng của ông dẫn đường cho 9 chiếc xe tăng khác của đội quân Chim ưng phá hủy hơn 80 xe tăng và xe thiết giáp của lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iraq mà không chịu tổn thất nào. Nhờ hành động đó, ông đã được trao Ngôi sao Bạc danh dự và trở lại giảng dạy về chiến lược đánh úp tại chính Học viện quân sự West Point từ năm 1994 - 1996.

Tại Iraq, ông McMaster là chỉ huy của một đơn vị chịu trách nhiệm gìn giữ trật tự cho thành phố Tal Afar. Ông đã đưa ra những phương pháp chặn quân nổi dậy. Đó là phương pháp “quét sạch, gìn giữ và xây dựng”. Nguyên tắc đó sau này cũng đã được Tướng Lục quân Mỹ David Howell Petraeus áp dụng.

Năm 1997, McMaster viết cuốn sách “Dereliction of Duty” (Sự xao nhãng nhiệm vụ) gây tiếng vang lớn. Cuốn sách là tập hợp những lời chỉ trích của ông McMaster về sự yếu kém của giới lãnh đạo quân sự, sự bưng bít của chính quyền và những sai lầm của Washington khi quyết định can dự vào Việt Nam hơn hai thập kỷ trước. Cuốn sách tập trung vào các sai lầm chiến lược trong cuộc chiến tranh Việt Nam thời cựu Tổng thống Lyndon B Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara.

Tạp chí Time năm 2014 chọn ông H.R. McMaster vào danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới, gọi ông là “kiến trúc sư của Lục quân Mỹ tương lai”. Không chỉ là  một vị tướng giỏi, ông McMaster còn được biết đến bởi sự cương trực. Năm 2006 và 2007, ông bất ngờ bỏ lỡ đợt thăng chức lên Chuẩn tướng dù ông có uy tín là “một trong những người lính vinh quang nhất trong Chiến tranh ở Iraq”. Lý do được cho là bởi vì ông McMaster thường có thói quen nói thẳng, nói thật.

Phép thử đối với Tổng thống Donald Trump

Vốn là một người thẳng tính, không ngại nói ra ý kiến cá nhân dù trái với mong muốn của cấp trên, tân Cố vấn an ninh quốc gia McMaster là một chiến lược gia quân sự được đánh giá cao. Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump chọn Tướng McMaster làm Cố vấn an ninh quốc gia thực sự là một điều gây bất ngờ đối với các nhà quan sát bởi vai trò này hoàn toàn mới lạ với con người quen hành động hơn là lập chính sách như ông McMaster. 

Tuy nhiên, ông McMaster không phải là tướng quân đội duy nhất nằm trong Nội các của Tổng thống Donal Trump. Hàng ngũ quan chức dưới thời Tổng thống Trump còn có những người từng sát cánh chiến đấu với ông McMaster như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis; Đại tướng Thủy quân lục chiến Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ. 

Hôm 21-2, Thư ký báo chí Nhà Trắng, ông Sean Spicer cho biết, Tổng thống Trump đã nói với ông McMaster rằng: “Ông có toàn quyền xây dựng nhóm an ninh quốc gia theo cách mà ông muốn”. Tuy nhiên, ông Trump cũng đã có bước “đề phòng” khi đưa cố vấn chiến lược Steve Bannon, một người ủng hộ quan điểm cánh hữu, gia nhập Hội đồng An ninh quốc gia tại Nhà Trắng. 

Theo ông Andrew Exumm, cựu quan chức quân đội Mỹ và là bạn của Trung tướng McMaster trong hơn 10 năm qua, những sơ suất ban đầu của ông Trump trong chính sách nhập cư và một số vấn đề khác “có khả năng trở thành gánh nặng cho ông McMaster cũng như cho cả Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson”. 

Một trong những phép thử đầu tiên về tầm ảnh hưởng của Trung tướng McMaster đối với quan điểm của chính quyền Mỹ chính là cuộc chiến ở Syria. Theo giới chức Lầu Năm Góc, quan điểm của ông McMaster về các chính sách liên quan tới cuộc chiến ở Syria sẽ được công bố vào tuần tới. Chia sẻ trên tạp chí quân sự Military Review, ông McMaster cảnh báo, hành động tăng cường lực lượng như ông Trump đã cam kết bao gồm việc đánh bom vào phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể phản tác dụng.

Phép thử thứ hai đối với ông McMaster là chính sách của Mỹ với Nga. Khác với cựu Cố vấn an ninh Mỹ Michael Flynn và Tổng thống Donald Trump, Trung tướng McMaster xem Nga là đối thủ thay vì đối tác tiềm năng. 

Phép thử thứ ba là quan điểm đối lập giữa ông McMaster với Tổng thống Trump về quy mô và mô hình quân đội Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng hứa hẹn tăng thêm 10.000 binh sĩ và mở rộng số lượng tàu chiến cho Hải quân Mỹ từ 282 chiếc lên 350 chiếc cũng như nâng tổng số chiến đấu cơ cho Không quân Mỹ lên 1.200 chiếc. Tuy nhiên, trước đó, ông McMaster lại cho rằng, để giành chiến thắng trước đối thủ, quân đội Mỹ cần trang bị năng lực tình báo, trinh sát và tấn công chính xác thay vì số lượng.