Nhật Bản e dè với khách hàng Trung Quốc

ANTD.VN - Toshiba đang đứng bên bờ vực phá sản nhưng mảng kinh doanh béo bở và quan trọng nhất của tập đoàn này là sản xuất chip thì không thể bán cho đối tác nước ngoài như Trung Quốc. 

Nhật Bản e dè với khách hàng Trung Quốc ảnh 1Mảng sản xuất chip của Toshiba sẽ không được bán cho Trung Quốc

Theo một số nguồn tin, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc việc thuyết phục tập đoàn điện tử Toshiba Corp. không bán cổ phần của mình tại mảng kinh doanh chip cho một công ty Trung Quốc hoặc phía Đài Loan (Trung Quốc). Điều khiến Chính phủ Nhật Bản lo ngại là nếu mảng công nghệ chủ chốt này của Toshiba rơi vào tay một công ty nước ngoài nào đó thì sẽ đe dọa đến an ninh quốc gia.

Từng được coi như hình ảnh đại diện cho nền kinh tế Nhật Bản, Toshiba hiện đang gồng mình chống chọi với tình trạng thua lỗ nặng nề trong mảng kinh doanh điện hạt nhân tại Mỹ. Hồi tháng 2-2016, Toshiba ước tính lỗ 712,5 tỷ yên (6,4 tỷ USD) trong hoạt động kinh doanh điện hạt nhân tại Mỹ trong 9 tháng tính tới tháng 12-2016. Trong bối cảnh nền tài chính liên tục đón nhận tin xấu, giới phân tích dự báo nhiều khả năng Toshiba sẽ rơi vào khủng hoảng trầm trọng với số nợ hơn 1,3 tỷ USD. 

Trong cơn vùng vẫy để thoát nạn, Toshiba đang cố gắng bán bộ phận sản xuất bộ nhớ của mình nhằm gỡ lại khoản lỗ khổng lồ. Hiện bộ phận sản xuất chip nhớ, sử dụng cho các thiết bị như điện thoại thông minh, là đơn vị duy nhất đem lại lợi nhuận cho tập đoàn. 

Nhiều công ty công nghệ lớn trên toàn cầu đang quan tâm tới việc mua lại mảng kinh doanh chip có trị giá ước tính khoảng 1.000 tỷ yên (8,81 tỷ USD) của Toshiba. Ngoài các tên tuổi “đình đám” của Mỹ như Apple Inc. và Microsoft Corp., các doanh nghiệp khác gồm            Western Digital Corp.; Hon Hai Precision Industry Co. (Đài Loan); SK Hynix Inc. (Hàn Quốc), các công ty của Trung Quốc đại lục cũng tỏ ra “thèm thuồng” mảng kinh doanh chip của Toshiba.

Nhưng lý do an ninh gắn với mảng công nghệ đỉnh cao của Toshiba đang buộc Chính phủ Nhật Bản phải ra tay sàng lọc. Thực tế, việc Chính phủ Nhật Bản viện tới vấn đề an ninh quốc gia để chặn các nguồn đầu tư nước ngoài cũng không phải là điều hiếm. Năm 2008, Chính phủ Nhật Bản đã chặn thương vụ một quỹ đầu tư của Anh muốn tăng số cổ phần nắm giữ tại công ty điện lực J-Power, do lo ngại về an ninh năng lượng quốc gia. Lần gần đây nhất là vào năm 2011, Tokyo đã dừng dự án thâu tóm Olympus với lý do các thiết bị quang học của nhà sản xuất máy ảnh này được sử dụng trong khí tài quân sự. 

Với đối thủ cạnh tranh và nhiều mắc mớ như Trung Quốc, sự thận trọng này càng lớn hơn. Chính vì thế mà Chính phủ Nhật Bản đang triển khai việc đánh giá mức độ an toàn trong thương vụ thâu tóm bộ phận sản xuất bộ nhớ của Toshiba. Về luật, chính phủ các nước hoàn toàn có quyền sử dụng các quy định về giao dịch và thương mại với nước ngoài để kiểm soát các vụ đấu thầu nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, dĩ nhiên là trong trường hợp cần thiết.

Theo giới chuyên môn, kết quả đánh giá sẽ chặn đứng cơ hội tham gia của hai công ty Đài Loan là Foxconn và TSMC thâu tóm mảng công nghệ chủ chốt của Toshiba. Như vậy thì các công ty của Trung Quốc đại lục cũng không thể tham gia thương vụ này. Đối với Nhật Bản hiện nay, chỉ có Mỹ là đối tác được xếp vào hàng tuyệt đối an toàn ở khía cạnh an ninh quốc gia. 

Chính vì thế, không lạ khi ngay cả ban lãnh đạo Toshiba cũng giữ vững nhận định rằng chỉ có các nhà thầu Mỹ mới “phù hợp” để tham gia thương vụ, Như vậy, những cái tên tiềm năng có cơ hội thâu tóm lại bộ phận sản xuất bộ nhớ của Toshiba vào lúc này sẽ chỉ còn Bain Capital, Western Digital. Trước đây, Apple từng được coi là một “ứng cử viên” tiềm năng. Tuy nhiên, chi phí và những thách thức khó đoán định khi tham gia vào thị trường bộ nhớ khiến họ không còn mấy hào hứng.