Nhà báo chống tham nhũng bị bắn chết gây chấn động châu Âu

ANTD.VN - Trong khi thủ phạm sát hại nữ nhà báo chống tham nhũng ở Malta vẫn chưa được làm rõ, làng báo chí điều tra châu Âu lại bàng hoàng trước việc một nhà báo chuyên bóc dỡ các vụ tiêu cực ở Slovakia bị bắn chết cùng vợ ngay tại nhà riêng.

Cảnh sát điều tra tại hiện trường nơi nhà báo Jan Kuciak và vợ bị bắn chết

Theo thông tin chính thức được cảnh sát phát đi hôm 26-2, nhà báo Jan Kuciak và vợ, Martina Kusnirova, cùng 27 tuổi bị giết hôm 22-2 ở làng Velka Maca phía tây Slovakia. Thi thể của họ được phát hiện sau đó 3 ngày.

Vụ tấn công chưa từng có

Do không thể liên lạc được với con gái, bà Kusnirova đã đến nhà con rể tương lai Jan Kuciak và kinh hoàng khi thấy máu vương vãi từ cửa. Jan Kuciak bị bắn vào ngực còn Martina trúng đạn vào đầu.  

Jan Kuciak bắt đầu làm việc từ 3 năm trước cho Aktuality.sk, một trang tin tại Slovakia thuộc Ringier Axel Springer, công ty truyền thông liên kết giữa Thụy Sỹ và Đức. “Chúng tôi choáng váng trước việc Jan Kuciak và hôn thê của anh ấy là nạn nhân của một vụ ám sát tàn khốc”, tuyên bố của công ty cho hay. Cũng trong tuyên bố này, công ty nhấn mạnh nếu như tội ác đó nhằm ngăn cản họ trong việc bóc dỡ những sai phạm nào đó thì “chúng tôi sẽ coi đây như một cơ hội để thực hiện trách nhiệm báo chí của mình” dù có gặp phải sự cản trở nào lớn hơn. 

“Việc ám sát phóng viên điều tra là dấu hiệu rõ ràng của tội ác chống lại một trong những trụ cột quan trọng nhất của tự do: quyền được nói và quyền của công dân được giám sát quyền lực cũng như những người xâm phạm luật pháp”, một nhóm các tổng biên tập hàng đầu Slovakia tuyên bố. 

Theo truyền thông Slovakia, Kuciak từng viết những bài báo liên quan đến tình trạng tài chính ám muội hoặc trốn thuế của những công ty có liên quan đến các nhà đầu tư và thương nhân hàng đầu nước này. Nhiều người trong số họ có quan hệ với chính phủ hoặc những người quyền lực như Robert Kalinak, Bộ trưởng Nội vụ và Jan Pociatek, cựu Bộ trưởng Tài chính. Những bài báo gần đây nhất của anh tập trung vào nhà đầu sỏ chính trị Slovakia Marian Kocner và các công ty của ông này.

Tháng 10-2017, Kuciak viết trên facebook cá nhân, cho biết đã đưa đơn tố cáo ông Kocner về hành vi đe dọa anh. Đoạn trạng thái này nêu rõ, ông Kocner đã nói ông ta sẽ “đổ những cái bẩn thỉu” lên phóng viên và gia đình anh, đồng thời sẽ không dừng lại cho đến khi anh “thôi không viết thứ gì nữa”. Ngay sau cái chết của Kuciak, ông Kocner đã bày tỏ việc lấy làm tiếc về vụ án, đồng thời cho rằng hành vi cáo buộc ông ta đe dọa Kuciak là lố bịch. 

Sau cái chết của Kuciak, ông Antonio Tajani, chủ tịch Nghị viện châu Âu nhắc lại vụ sát hại nhà báo người Malta Daphne Caruana Galizia hồi tháng 10-2017 và cho rằng nữ phóng viên này “sẽ không yên nghỉ chừng nào công lý chưa được thực thi”. “Liên minh châu Âu không thể chấp nhận việc một nhà báo bị giết vì công việc mà anh ấy làm”, ông Antonio tuyên bố, “Tôi kêu gọi nhà chức trách Slovakia tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc cùng với sự trợ giúp của quốc tế nếu cần thiết cho cái chết của Jan Kuciak”.

Nhà báo bị sát hại Jan Kuciak

Công lý phải được thực thi

Trong buổi họp báo được tổ chức hôm 26-2, người đứng đầu cơ quan cảnh sát Slovakia Tibor Gaspar cho rằng vụ ám sát rất có khả năng liên quan đến các bài báo của Jan Kuciak. Các nhà điều tra đang cố gắng ghép các dữ liệu để tìm hiểu về công việc mà anh làm trước khi bị giết. Khoản tiền thưởng 1 triệu euro cũng được hứa hẹn trao cho người nào cung cấp được thông tin giúp tìm ra thủ phạm.

“Nếu cảnh sát có thể chứng minh được rằng cái chết của phóng viên điều tra này liên quan đến công việc mà anh ấy đang làm, thì đây là một vụ tấn công chưa từng có ở một đất nước dân chủ và tự do báo chí như Slovakia”, Thủ tướng nước này, Robert Fico nói trong buổi họp báo. Trong khi đó, Tổng thống nước này Andrej Kiska cho biết ông bị sốc khi một chuyện như vậy lại xảy ra ở Slovakia. “Kẻ sát nhân máu lạnh phải bị trừng trị cho tội ác khủng khiếp đó. Chúng ta phải tìm ra chúng và đảm bảo an toàn cho các nhà báo”, ông Andrej Kiska nói.

Trong những năm 1990, dưới chính quyền của Thủ tướng Vladimir Meciar, người theo trường phái độc đoán, nhà báo ở Slovakia thường xuyên bị tấn công và đe dọa. Sau khi gia nhập EU năm 2004, nước này được đánh giá là có một hệ thống lập pháp lành mạnh với chỉ số tự do báo chí cao. Tuy nhiên phần lớn các cơ quan truyền thông ở Slovakia tập trung trong tay một số doanh nhân có “máu mặt”, do đó những tiếng nói bất đồng thường đối mặt với áp lực cao.

Peter Nagy, một phóng viên ở Slovakia cho biết, anh cùng người vợ đang mang thai tháng thứ 6 đang lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình vào ngày 13-3 tới để đòi trách nhiệm giải trình. “Chúng tôi không muốn con mình được sinh ra trong một xã hội mà người ta sợ không dám nói lên tiếng nói của mình, còn các nhà báo thì sợ hãi khi tác nghiệp”, Nagy tuyên bố, “Kẻ giết hại nhà báo là kẻ sát nhân của toàn xã hội, của tiếng nói chung cũng như giá trị chung của chúng ta”.